Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/04/2025 02:04
Thứ hai, 14/04/2025 11:04
TMO - Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa của tàu cá mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom ở cảng cá, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý.
Trong khuôn khổ dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ giai đoạn 2022-2024, từ cuối năm 2023, tỉnh Bình Định đã triển khai mô hình “thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ”.
Mục tiêu của mô hình nhằm quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá xả thải ra biển; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của ngư dân trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường biển; chống việc xả thải rác thải nhựa ra đại dương và tạo việc làm, tăng thu nhập cho khối lao động phi chính thức thông qua việc thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá.
Mô hình thí điểm được thực hiện trên 200 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 100 tàu cá thường xuyên ra, vào Cảng cá Quy Nhơn (Tp.Quy Nhơn, Bình Định) và 100 tàu cá thường xuyên ra vào Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát), Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định).
Ngư dân đã hình thành thói quen thu gom rác thải sau mỗi chuyến đi biển dài ngày. Ảnh: AT.
Trong quá trình thực hiện mô hình, ngành chức năng tiến hành khảo sát với 100 tàu cá thường xuyên ra vào cảng Quy Nhơn. Kết quả, đối với 100 tàu cá này trung bình thực hiện chuyến biển dài 20 ngày, lượng nhựa từ các loại chai nước uống và thực phẩm phục vụ cho thuyền viên khoảng hơn 1.386kg; lượng nhôm từ các loại nước uống của 100 tàu cá trong 1 chuyến biển là gần 287kg; lượng nhựa các loại bao bì dùng để đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản trong 1 chuyến là hơn 582kg.
Không chỉ đẩy mạnh công tác thu gom, mô hình còn triển khai tuyên truyền sâu rộng, phát tờ rơi, bảng hiệu, ký cam kết với ngư dân, hỗ trợ túi lưới chuyên dụng, xây dựng nhà thu gom, khu phân loại, và lập đội thu gom rác thải nhựa tại cảng
Từ khi mô hình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ được triển khai, ngư dân Lê Văn Tiến (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) cùng các ngư dân khác đã dần hình thành thói quen mang những túi rác thải nhựa thu gom được trên biển sau những chuyến vươn khơi khai thác thủy sản dài ngày. Các chủ tàu thực hiện mô hình phải cam kết không xả rác thải nhựa xuống biển và thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá để đưa vào bờ. Tại cuối mỗi thành tàu, họ lắp đặt túi lưới chứa rác thải nhựa; khai báo các loại nước uống, thực phẩm sinh hoạt và các loại bao bì trong chuyến biển thông qua tờ khai khi làm thủ tục xuất bến tại cảng cá, xác nhận lượng rác thải nhựa mang về khi cập cảng.
Còn theo chị Nguyễn Thị Minh Lệ (Đội thu gom rác thải nhựa tại cảng cá Quy Nhơn) cho biết, khi rác thải được thu gom về bờ thì sẽ có đội xử lý rác thải xuống thu gom, tiến hành phân loại rác thải nhựa và rác thải kim loại rồi cho tiến hành ép kiện rồi đưa về cho Công ty môi trường đô thị để tái chế thành những sản phẩm khác.
Rác thải được đưa về Nhà thu gom rác thải nhựa tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: HV.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Bình Định (Sở Nông nghiệp và Môi trường), mô hình đã nâng cao nhận thức cho thuyền viên làm việc trên các tàu cá về rác thải nhựa đại dương thông qua các hình thức phát tờ rơi, ký cam kết, bảng hiệu, thông báo… tại các cảng cá cho cộng đồng ngư dân; xây dựng quy trình khai báo, tiếp nhận, xác nhận rác thải nhựa thu gom từ tàu cá vào bờ.
Bên cạnh đó, thành lập và triển khai hoạt động đội thu gom rác thải nhựa tàu cá thuộc Ban Quản lý cảng cá Bình Định; hỗ trợ túi lưới thu hồi rác thải nhựa cho các tàu cá; hỗ trợ xây dựng nhà thu gom, các trang thiết bị phục vụ phân loại, đóng gói; xây dựng cơ chế khuyến khích tàu cá thu gom rác thải nhựa về bờ; xây dựng cơ chế hỗ trợ vận hành ban đầu cho đội thu gom làm kinh tế tuần hoàn.
Tỉnh Bình Định đã đặt ra mục tiêu giai đoạn 2024-2025 có 70% ngư dân tỉnh được tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng quản lý, hành động giảm thiểu rác nhựa đại dương. Đồng thời, 50% tàu cá khai thác thủy sản sẽ thu gom rác thải nhựa trong chuyến đánh bắt trên biển mang về bờ để tái chế. Đến năm 2030, mục tiêu là 100% tàu cá, ngư dân đánh bắt trên biển tổ chức thu gom rác nhựa mang về bờ tập trung tại các điểm thu gom rác ở cảng cá để tái chế
Mặc dù mới chỉ thực hiện thí điểm ở cảng cá Quy Nhơn và cảng Đề Gi nhưng mô hình này đã thu hút sự tham gia của hàng trăm tàu cá và ngư dân, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác thủy sản. Có thể thấy, sự thay đổi này không chỉ giúp giảm lượng rác thải nhựa đại dương mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường biển, bảo đảm sự bền vững cho nguồn lợi thủy sản - nguồn thu nhập chính của ngư dân.
Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Định cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (bao gồm cả rác sinh hoạt và rác sản xuất) của tàu cá mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom ở cảng cá, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương.../.
Thanh Tùng
Bình luận