Hotline: 0941068156
Thứ tư, 12/02/2025 00:02
Thứ bảy, 08/02/2025 09:02
TMO - Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ (Bình Định) sử dụng công nghệ đốt rác phát điện với tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm có phát điện với công suất 15MW.
UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng 100.400m2 (đây là diện tích tối đa để xây dựng Nhà máy, chưa bao gồm phần diện tích đất cho đường dây đấu nối nhà máy vào hệ thống điện Quốc gia, hệ thống giao thông kết nối. Đối với vị trí xử lý tro bay được thực hiện theo quy định và theo đề xuất của nhà đầu tư); ưu tiên nhà đầu tư đề xuất sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Công suất thiết kế 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm có phát điện với công suất 15MW. Phạm vi phục vụ của dự án ở các khu vực: thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và một phần huyện Vân Canh. Về lâu dài, sẽ gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế và mở rộng phạm vi phục vụ theo Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Địa điểm thực hiện dự án tại ô A5 và ô A6 thuộc Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng (có thể cao hơn, tùy theo công nghệ, thiết bị của nhà đầu tư). Đáng chú ý, 1.500 tỷ đồng trên chỉ là chi phí đầu tư xây dựng dự án, còn Nhà nước giao mặt bằng sạch và tổ chức đầu tư hạ tầng đến hàng rào của dự án (trừ hệ thống cấp nước phục vụ nhà máy sản xuất).
Theo UBND tỉnh Bình Định, giá dịch vụ xử lý không quá 430.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT và các chi phí xử lý tro bay, tro xỉ, chất thải thứ cấp hình thành từ quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt). Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước được phân cấp theo quy định của phân cấp ngân sách hiện hành.
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ đốt rác phát điện nhằm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ đốt rác phát điện (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, giá dịch vụ xử lý sẽ ổn định trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày nhà máy đi vào vận hành chính thức. Sau 3 năm, mức giá sẽ được cập nhật, điều chỉnh tăng giá; tần suất tăng giá là 2 năm/lần. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương ban hành có liên quan đến lộ trình tăng giá, mức giá được điều chỉnh theo quy định trên cơ sở đàm phán giữa UBND tỉnh Bình Định và nhà đầu tư...Thời hạn hoạt động của dự án là 30 năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định cho thuê đất. Tiến độ thực hiện không quá 2 năm kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Mục tiêu dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện nhằm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt (và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu) với công nghệ đốt rác phát điện; chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững. Nhà máy khi xây dựng phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi và không yêu cầu phân loại rác tại nguồn; máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý phải đảm bảo đầu tư mới, chưa qua sử dụng.
UBND tỉnh giao UBND thành phố Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cập nhật vị trí nêu trên vào Quy hoạch sử dụng đất thành phố Quy Nhơn thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2025; sớm thực hiện giải phóng mặt bằng khu đất, tổ chức đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào của dự án, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng của dự án.
UBND thành phố Quy Nhơn lập Bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt, đăng tải Bảng theo dõi tiến độ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Bên mời thầu và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành. Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của Luật Đấu thầu.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.030,13 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 564,75 tấn/ngày (chiếm 53,08%), khu vực nông thôn phát sinh khoảng 483,38 tấn/ngày (chiếm 46,92%). Thành phố Quy Nhơn là địa phương có lượng rác thải phát sinh lớn nhất 296 tấn/ngày, chiếm 28,73% tổng lượng rác thải toàn tỉnh; các huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) có lượng rác phát sinh thấp, trong đó, huyện An Lão phát sinh lượng rác thải thấp nhất 20,53 tấn ngày (chiếm 1,99%).
Trong năm 2024, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng so với các năm trước, đạt 93,72%; tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn ước đạt 76,79%. Đặc biệt, 11/11 địa phương đã ban hành Phương án chi tiết đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn.
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 90% và nông thôn đạt 80% (đạt chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ). Trong năm 2025, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng triển khai thực hiện phương án chi tiết đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý của mỗi địa phương; s
Đồng thời, sớm ban hành đầy đủ giá dịch vụ thu gom rác tại các hộ gia đình và giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác để đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ; tổ chức triển khai đồng bộ công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đầu tư các dự án Nhà máy xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.
Hà Thu
Bình luận