Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ ba, 24/05/2022 21:05
TMO - Các chuyên gia của tổ chức Phân bố Thời tiết Toàn cầu (WWA) vừa công bố một báo cáo khẩn cấp về những ảnh hưởng của việc thời tiết ấm lên trên toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo đó, biến đổi khí hậu có thể khiến tần suất các đợt nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan trong tháng 3 và tháng 4 tăng cao gấp 30 lần.
Trong đó, nhiệt độ tháng 4 tại các vùng phía bắc Ấn Độ và Pakistan đã đạt gần 50°C, mức nhiệt này đã dẫn đến không ít vấn đề liên quan đến nắng nóng và khiến ít nhất 90 người thiệt mạng.
Người dân New Delhi - Ấn Độ ngủ trưa dưới một cây cầu ngay giữa lòng sông Yamuna với nhiều khu vực đã trơ đáy Ảnh: Reuters
Trước đó vào tháng 3, một đợt nắng nóng khác với mức nhiệt cao kỷ lục cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho vụ lúa mì mùa đông của Ấn Độ. Nắng nóng cùng với lượng mưa giảm từ 60-70% là thảm họa đối với nền nông nghiệp ở Ấn Độ. Để ứng phó với tình trạng này, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu hàng triệu tấn lương thực, khiến tình hình giá lương thực tăng cao trên toàn cầu thêm trầm trọng.
Hiện nay, nhiệt độ trung bình đã tăng lên khoảng 1,2°C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đã khiến những đợt nắng nóng kéo dài tại Nam Á sẽ còn tiếp diễn với nguy cơ xảy ra cao hơn 30 lần. Thậm chí tần suất này dự kiến sẽ còn tăng lên khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Theo mức trung bình nhiệt độ cao nhất trong ngày ở Tây Bắc Ấn Độ và Nam Pakistan, bản báo cáo cho rằng có thể tính toán được tần suất của các đợt nóng như vậy ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Theo các nhà nghiên cứu nếu lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính không giảm, các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy sẽ trở nên phổ biến, trong đó các đợt nắng nóng sẽ là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất.
Hữu Thi
Bình luận