Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ ba, 05/12/2023 07:12
TMO - Khu vực châu Phi phải đối phó với hạn hán ngày càng nghiêm trọng và những cơn bão xảy ra thường xuyên hơn, đe dọa nguồn lương thực thiết yếu cho hàng trăm triệu người.
Biến đổi khí hậu với sự gia tăng của các hiện tượng tượng thời tiết cực đoan khiến phần lớn khu vực châu Phi đang phải vật lộn giữa hạn hán ngày càng nghiêm trọng và những cơn bão dữ dội xảy ra thường xuyên hơn, đe dọa nguồn lương thực thiết yếu cho hàng trăm triệu người. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết nền nhiệt tăng 1 độ C tương ứng với việc giảm 3% sản lượng nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Cơ quan này dự báo năng suất cây trồng ở châu Phi cận Sahara sẽ giảm từ 5-17% vào năm 2050, mặc dù dân số tăng nhanh.
Các nhà khoa học, quan chức chính phủ và nông dân đang khôi phục các loại cây trồng bị bỏ quên và tăng năng suất nông nghiệp trong cuộc đua giúp châu Phi thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Nhưng chỉ có số ít quỹ tài trợ và hầu như không có nguồn vốn tư nhân nào hỗ trợ cho các nông dân, những người sản xuất ra phần lớn lương thực của lục địa. Việc tăng năng suất vật nuôi và cây trồng ở châu Phi là một trong những biện pháp dễ dàng nhất để cắt giảm khí thải, bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã và giúp đỡ nông dân.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 1,7% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu dùng để hỗ trợ các nông dân sản xuất quy mô nhỏ, những người sản xuất khoảng 80% lương thực ở châu Phi và châu Á. Trong khi các quốc gia giàu có cam kết cung cấp 100 tỷ USD hàng năm để giúp các nước đang phát triển đạt được những mục tiêu về khí hậu, các nhà lãnh đạo châu Phi họp tại COP28 ở Dubai cho biết họ muốn tăng đáng kể nguồn tài trợ cho nông dân.
Biến đổi khí hậu đe dọa tới nguồn cung lương thực ở châu Phi.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết 170 triệu người ở khu vực châu Phi cận Sahara phải đối mặt với nạn đói trầm trọng trong năm nay. Đông Phi vừa trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua, và những vùng đất đầy nắng giờ đây bị ngập sau trận lũ lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua. Do biến đổi khí hậu, những cây trồng nhạy cảm như lúa mỳ, lúa gạo và ngô thường không thể sinh trưởng trong những điều kiện khắc nghiệt.
Tại Nigeria, nông dân đang trồng thử nghiệm các dạng sắn mới - loại cây trồng chủ yếu cho 300 triệu người. Rễ cây mập mạp có khả năng chịu hạn tốt hơn nhiều so với các loại cây chủ lực khác, nhưng các cơn bão mạnh và nhiệt độ cao hơn khiến sắn dễ bị thối rữa và sâu bệnh. Tuy nhiên, có rất ít nguồn vốn hoặc sự quan tâm dành cho cây sắn - vốn không được tiêu thụ phổ biến bên ngoài lục địa Đen - trong khi Ngân hàng Phát triển châu Phi đã dành 1 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất lúa mỳ có khả năng sinh trưởng kém hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Văn phòng Liên minh châu Phi của Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết thời tiết khắc nghiệt thường gây ra xung đột, khi mọi người tranh giành nước, đất canh tác và chăn thả gia súc hoặc tham gia các nhóm vũ trang để sinh tồn hoặc tiếp cận nguồn thực phẩm. Nạn đói cũng gây ra bất ổn chính trị khi dân chúng quay cuồng vì lạm phát và nạn đói tập hợp lại để yêu cầu thay đổi chính quyền.
Trước đó, Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA) cảnh báo dù phát thải khí nhà kính của châu Phi chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng phát thải toàn cầu, song châu lục này đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu, đe dọa phát triển kinh tế-xã hội của châu lục. Số liệu từ UNECA cho thấy trong số 20 quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất, có tới 17 quốc gia ở châu Phi. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động đến 2-9% ngân sách quốc gia trên khắp châu lục này. Tình trạng mất an ninh lương thực là một thách thức mang tính cơ cấu ở châu Phi, ảnh hưởng đến 20% dân số của lục địa này so với tỷ lệ 9,8% toàn cầu.
Minh Tâm
Bình luận