Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ năm, 04/08/2022 15:08
TMO – Nhờ lợi thế cảnh sắc thiên nhiên đẹp, phong phú, đa dạng, hạ tầng không ngừng được quan tâm, đầu tư…Phú Quý đang trở thành điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch nội địa và quốc tế.
Đảo Phú Quý (Bình Thuận) có tên gọi khác là cù lao Thu, cù lao Khoai Xứ là huyện đảo cùng tên với diện tích chỉ hơn 18 km2, dân số khoảng trên 29.000 người. Đảo nằm cách Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 120 km, ngoài đảo chính, nơi đây còn có các đảo Hòn Đá Cao, Hòn Đỏ, Hòn Tranh và Hòn Hải. Tuy là đảo nhỏ nhưng lại có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm.
Đảo Phú Quý có khí hậu gió mùa với hai mùa rõ rệt: mùa gió Nam, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 và mùa gió Bấc từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.000 đến 1.100mm. Nhiệt độ không khí trung bình 22 độ C đến 28 độ C. Độ ẩm không khí từ 72 đến 88%. Khí hậu tương đối ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Vùng đảo ít có bão, tần suất là 0,66 lần/năm, nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp các đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa to, gió lớn, biển động mạnh. Trên đảo chỉ có những dòng chảy tạm thời vào mùa mưa. Thủy triều ở vùng này thuộc thủy triều hỗn hợp, độ lớn triều trung bình 1,6 m, lớn nhất 2,2 m, nhỏ nhất 0,3 m.
Địa hình trên đảo tương đối bằng phẳng, thuộc dạng gò đồi, độ phân cắt yếu, nhưng vẫn thể hiện tính phân bậc khá rõ ràng. Ngoài 3 ngọn núi cao 108m, 86 m và 46 m, ở trung tâm đảo có những dãy đồi cao 20 - 30 m, 15 - 20 m, còn ven đảo thường cao khoảng 5m, đến 7 - 8m, thấp nhất khoảng 2m. Thềm biển phổ biến có độ cao 4m và 2m, cũng phát triển nhiều bãi cát, doi cát, là các bãi tắm đẹp. Nhiều lạch, mũi đá nhô ra biển tạo nên đường bờ đảo đa dạng về hình thái. Trên đảo và trong phạm vi khu vực xung quanh đảo, hiện nay còn nhìn thấy dấu tích của 4 miệng núi lửa dưới nước và 2 chóp núi lửa ở trên đảo là núi Cấm, núi Ông Đụn. Núi Cao Cát là phần sót lại của chùy núi lửa, còn được bảo tồn tốt, ở sườn phía Đông tạo thành vách dốc đứng tạo thế đứng hùng vĩ, còn trên đỉnh có những khối đá trầm tích-phun trào núi lửa với những hình dáng kỳ vĩ do thiên nhiên ngàn năm tạo lập mà ít nơi có được.
Trên đảo Phú Quý hiện có gần 30 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có nhiều di tích lịch sử-văn hóa, thắng cảnh xếp hạng cấp quốc gia như Vạn An Thạnh. Di tích được người dân đảo Phú Quý gọi tên là Vạn An Thạnh với ngụ ý muốn nói lên ước nguyện cầu mong có một cuộc sống an khang, thịnh vượng cho cộng đồng. Nơi đây tôn thờ cá voi (hay cá “Ông”) là thần hoặc thần Nam Hải gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp của ngư dân ven biển nước ta. Ngoài ra, đảo Phú Quý có Chùa Linh Quang (Chùa được xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996, được coi là ngôi chùa được tạo lập sớm nhất trên đảo Phú Quý).
Đời sống người dân trên đảo chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thuỷ hải sản, kinh doanh dịch vụ du lịch. Người dân nơi đây rất nồng hậu, thân thiện, với mỗi người dân giống như một người chiến sĩ Cảnh sát biển, luôn mạnh mẽ, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Họ rất nhanh nhạy trong việc phát giác, tố giác các loại tội phạm hoặc tàu lạ hoạt động trên biển có hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nhờ đó, lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, vi phạm.
Sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển của Tổ quốc không chỉ đơn thuần là những hành trình khai thác, đánh bắt hải sản, mà hình ảnh con tàu của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới còn là biểu tượng của ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Họ chính là những "cột mốc sống" góp phần gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực; phát huy lợi thế, tiềm năng về tự nhiên và văn hóa của địa phương. Từng bước xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, bảo đảm tính hấp dẫn, tính bền vững của sản phẩm du lịch. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về nhiệm vụ phát triển du lịch trong thời gian tới, huyện đảo Phú Quý đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt đối với thế mạnh là du lịch.
Theo đó, trong năm 2022, địa phương này phấn đấu thu hút 55.000 lượt du khách (trong đó khách quốc tế thu hút khoảng 2.200 lượt); doanh thu du lịch tăng 10% so với năm 2021. Để đạt mục tiêu đề ra, Phú Quý tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, hình ảnh, bản sắc văn hóa và con người Phú Quý bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Xây dựng bảng hướng dẫn các điểm tham quan du lịch để từng bước khai thác có hiệu quả các điểm tham quan, di tích, thắng cảnh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, kêu gọi các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn huyện; đồng thời, rà soát các dự án đã cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi dự án. Tăng cường kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư, đóng các loại tàu thuyền đủ điều kiện đảm bảo an toàn để đưa, rước khách du lịch và được cấp phép theo quy định; khuyến khích phát triển hệ thống khách sạn hạng sao, nhà hàng quy mô lớn và các loại hình dịch vụ, phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức thẩm định, xếp hạng và hướng dẫn, xây dựng bảng niêm yết giá dịch vụ cho thuê phòng tại các cơ sở lưu trú.
Địa phương cũng tích cực phối hợp liên ngành trong công tác quy hoạch, xây dựng các dự án khả thi phát triển tour, tuyến du lịch các đảo Hòn Tranh, Hòn Đen,… kết hợp ngắm san hô, câu cá giải trí. Xây dựng các tour, tuyến đưa du khách tham quan mô hình du lịch thưởng thức các loại hải đặc sản tươi sống, kết hợp với tìm hiểu đời sống các hộ ngư dân với mô hình nghề nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề truyền thống tại địa phương. Phát triển các loại hình dịch vụ thể thao biển. Triển khai xây dựng biểu tượng thương hiệu Phú Quý.
Huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư phát triển các khu công cộng phục vụ du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách có nhiều lựa chọn trong hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi, giải trí; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, nhất là các điểm du lịch. Nâng cao ý thức của nhân dân về giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, thái độ ứng xử, giao tiếp văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến Phú Quý.
“Biển đảo Việt Nam” là Chuyên đề đặc biệt do Ban Chuyên đề, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức nhận thức cho mọi đối tượng (đặc biệt đối với thế hệ trẻ) hiểu rõ hơn về vai trò của Biển, Đảo trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và khẳng định chủ quyền Biển, Đảo, từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu dân tộc. Chuyên đề được triển khai từ đầu tháng 7/2022 với tần suất xuất bản từ 5-7 ngày/số, mỗi số gắn với một hòn đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Tú Quyên – Vũ Ngọc
Bình luận