Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 09:11
Chủ nhật, 12/12/2021 13:12
TMO - Lẽ đương nhiên, “Nước” là một trong những yếu tố duy trì sự sống, tuy nhiên, nếu sử dụng nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn (nước bẩn) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và tác động tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống. Vậy, cần làm gì để bảo vệ nguồn nước?
Nâng cao ý thức cộng đồng
Bạn Đan Thùy (Sinh viên năm 2, Đại Học Thái Nguyên) chia sẻ: “Theo em, để bắt tay vào hành động, mỗi người cần phải hiểu và ý thức được việc bảo vệ môi trường nước sạch quan trọng như thế nào. Đây là chiến dịch của mỗi cá nhân (trong đó có cả em), mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. “Một cây làm chẳng nên non – 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”, một người bảo vệ nguồn nước thì sẽ vô ích nhưng nhiều người, cả xã hội cùng có ý thức bảo vệ nguồn nước thì chắc chắn kết quả sẽ khác”.
Giữ sạch nguồn nước
Chia sẻ về biện pháp bảo vệ môi trường nước hiệu quả, theo Bạn Nguyễn Văn Tạn (huyện Phong Điền, Cần Thơ): “Chúng ta không vứt rác thải bừa bãi ra môi trường, không thải trực tiếp nước thải chưa được xử lý hòa lẫn nguồn nước sạch. Không phóng uế bừa bãi ra nguồn nước, đặc biệt không sử dụng phân tươi để bón cho rau củ, cây cối. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu sử dụng cần phải đúng hướng dẫn, thu gom, xử lý vỏ bao bì đúng quy đinh”.
Tiết kiệm nguồn nước sạch
“Bảo vệ nguồn nước chính là hành động tiết kiệm, giảm lãng phí nước trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, hãy tắt vòi nước khi đánh răng/rửa mặt/rửa tay/giặt giũ xong. Đường ống dẫn nước/bể nước bị rò rỉ cần phải kiểm tra và khắc phục ngay để tránh bị thất thoát nước sạch ra ngoài. Đặc biệt, khi trời có mưa, nên sử dụng thùng đựng nước mưa để tận dụng vào việc rửa dụng cụ, rửa xe cộ hoặc dùng để tưới cây. Vừa tận dụng được nước mưa từ thiên nhiên vừa tiết kiệm được nguồn nước sạch, tránh gây lãng phí…” - Bạn Phan Thị Cúc (Sinh viên năm 4, Đại học Cần Thơ) nói.
Xử lý phân thải đúng cách
Biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả tiếp theo được khuyến khích áp dụng, theo bạn Huỳnh Phúc (TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông) là: “phải xử lý phân thải đúng cách. Đối với các gia đình đông thành viên, gia đình làm vườn, chăn nuôi gia súc gia cầm cần phải có kế hoạch thu gom phân thải khoa học. Nên xây dựng các hố ủ vệ sinh khoa học để đựng và ủ phân trước khi đem bón cho cây hoặc xả ra môi trường. Tuyệt đối tránh tình trạng xả phân trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước”.
Phân loại và xử lý đúng các loại rác thải sinh hoạt
Theo bạn Hoàng Thị Thanh (TP. Việt Trì, Phú Thọ): “theo cá nhân em thì mỗi gia đình cần trang bị các thùng đựng rác có nắp đậy. Đồng thời, phải biết cách phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ để có các biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả. Đối với các tòa nhà chung cư, sinh hoạt tập thể, công cộng, cần có các thùng rác lớn nắp đậy kín và phân loại rác rõ ràng. Đồng thời, những khu sinh sống tập thể cần phải có các biện pháp xử lý rác hợp vệ sinh, hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước sạch...”.
Xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp
Chia sẻ về xử lý nước thải sinh hoạt, theo bạn Trần Ngọc Huệ (SV Đại học Công nghiệp Hà Nội): “Em nghĩ, mỗi khu vực, cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp trước khi đổ ra cống xả nước chung. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp, bệnh viện, quá trình xử lý nước thải lại cần được chú trọng hơn. Phải xây dựng và tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý nước thải ra môi trường. Tránh tình trạng xả trực tiếp nguồn nước sinh hoạt ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước”.
Hướng tới nông nghiệp xanh
“Người nông dân có thể tham gia bảo vệ môi trường bằng cách hướng tới nông nghiệp xanh. Cụ thể, nông dân hãy xây dựng và lên kế hoạch quản lý chất dinh dưỡng trong nông nghiệp. Hạn chế tối đa tình trạng chất dinh dưỡng dư thừa ngấm vào đất, nguồn nước ngầm. Hạn chế ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, diệt cỏ bằng kỹ thuật…” – đó là chia sẻ từ bạn Đoàn Ngọc Vinh (Lạng Giang, Bắc Giang).
Hạn chế sử dụng túi đựng thực phẩm
Bạn Dương Hoàng Yến (Đại học Văn hóa, Hà Nội) lại cho rằng cần hạn chế dùng túi nhựa, “Em nghĩ chúng ta nên hạn chế sử dụng túi đựng thực phẩm, bao bì nilon cũng là biện pháp bảo vệ môi trường nước rất hiệu quả. Vì thế, chúng ta nên tránh dùng các túi đựng, sử dụng một lần như: Hộp đựng thức ăn nhanh, cốc nhựa, … Khi đi mua sắm, nên mang túi riêng đi đựng để bảo vệ môi trường”.
Tận dụng sản phẩm có thể tái chế
Theo bạn Lê Quốc Hiệp (Thanh Xuân, Hà Nội): “Thay vì sử dụng các sản phẩm chỉ sử dụng một lần hay bao bì nilon gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Hãy áp dụng phương pháp tận dụng sản phẩm có thể tái chế sử dụng sẽ góp phần giảm thiểu được một số lượng rác thải lớn ra môi trường. Đồng thời, sẽ cảm thấy thích thú với sự sáng tạo của mình trước các đồ dùng được tái chế”.
Tránh gây ô nhiễm trong nông nghiệp
“Thực tế, không chỉ các hoạt động sản xuất công nghiệp mới gây ô nhiễm nguồn nước. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng gây hưởng lớn đến nguồn nước sạch sinh hoạt của con người. Vì thế, đối với chăn nuôi, người dân nên kết hợp với kỹ thuật chăn nuôi công nghiệp cao. Cần phải có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đồng bộ tránh tình trạng thải chất thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Đối với cây trồng, nông dân cần phải sử dụng phân bón đúng liều lượng, đúng thời gian tránh tình trạng dư thừa làm ô nhiễm môi trường đất, dẫn tới ô nhiễm nguồn nước”. Chia sẻ của bạn Phạm Văn Huyên (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Minh Ngọc
Bình luận