Hotline: 0941068156
Thứ ba, 07/01/2025 19:01
Thứ tư, 15/02/2023 11:02
TMO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Qua đó, thực hiện hiệu quả nguyên tắc bảo vệ gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên này.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay tổng lượng tài nguyên nước mưa trên địa bàn tỉnh khoảng 11 tỷ m3/năm, tổng lượng nước mặt khoảng 7 tỷ m3/năm và trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 67 sông, suối nội tỉnh, trong đó: 06 sông, suối nội tỉnh thuộc lưu vực sông lớn; 29 sông, suối nội tỉnh thuộc lưu vực sông liên tỉnh độc lập và 32 sông, suối nội tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 176 hồ chứa nước đang hoạt động hoặc đang đầu tư xây dựng (dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2025) với tổng dung tích hữu ích khoảng 323,12 triệu m 3; trong đó có 27 hồ chứa thực hiện cấp nước đa chức năng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp, sinh hoạt, tổng dung tích hữu ích 257,43 triệu m3. Tổng năng lực thiết kế tưới 25.355,5ha đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt 79,814 triệu m3, nuôi trồng thủy sản 1.500ha.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nhu cầu nước cho nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ giảm dần, trong khi nhu cầu sử dụng nước cho các khu công nghiệp, dịch vụ tăng lên cùng với sự phát triển của các ngành này trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dự báo nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều tăng qua các năm, đến năm 2025 tăng gấp 1,4 lần so với hiện tại và đến năm 2030 sẽ tăng gấp 1,5 lần so với hiện tại. Nhu cầu sử dụng nước hiện tại: 431,28 triệu m3 ; Dự báo đến năm 2025: 597,15 triệu m3 /năm; Dự báo đến năm 2030: 646,02 triệu m3 /năm.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT, hiện nay tài nguyên nước của tỉnh phân bố không đều, bên cạnh đó, nước dưới đất ở một số nơi đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, cần được tăng cường bảo vệ. Ngoài ra, qua nghiên cứu của ngành chức năng, dự báo đến năm 2030, các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiện trạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không đủ cấp nước theo yêu cầu, do vậy ứng với các mốc thời gian 2025, 2030.
Tỉnh Quảng Ninh cần cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có nhằm tăng thêm dung tích trữ nước hữu ích và xây dựng thêm các công trình mới tạo nguồn cấp nước. Ảnh: PC
Trước thực tế trên, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo phân bổ nguồn nước hài hòa giữa các đối tượng sử dụng nước, nhu cầu sử dụng nước; Bảo đảm công bằng và hợp lý giữa đối tượng khai thác, sử dụng nước, giữa các địa phương và các vùng trong tỉnh. Bảo vệ tài nguyên nước không bị ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt, bảo vệ chức năng nguồn nước; đảm bảo an ninh lâu dài về tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh cần cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có nhằm tăng thêm dung tích trữ nước hữu ích và xây dựng thêm các công trình mới tạo nguồn cấp nước, phục vụ đa mục tiêu. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh cần khai thác thêm nguồn nước cấp cho đô thị và công nghiệp từ việc xây dựng mới các công trình hồ chứa cấp nước, cùng với các nguồn nước từ các công trình cấp nước hiện có được đề xuất nâng cấp, tăng công suất đảm bảo cấp nước lên hơn 01 triệu m3/ngày đêm.
Tiếp tục tu sửa, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi cấp nước tưới bao gồm công trình hồ chứa, đập dâng và trạm bơm; tiếp tục kiên cố hóa hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh. Để chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu nước của tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các huyện, thị xã, thành phố, vùng, miền, lưu vực sông; tỉnh Quảng Ninh cần ưu tiên triển khai các công trình đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến nhiệm vụ thời gian tới địa phương này cần đẩy mạnh triển khai đó là: Khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Trong đó, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo thứ tự: Nhu cầu nước cho sinh hoạt; Nhu cầu nước cho công nghiệp; Nhu cầu sử dụng nước cho du lịch,dịch vụ; Nhu cầu sử dụng nước cho thủy sản và các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, triển khai cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Thực việc các biện pháp hạn chế khai thác và phòng ngừa, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước mặt và nước dưới đất. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải. Xây dựng các công trình phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và tiêu úng như các trạm bơm, cống tiêu, nạo vét trục tiêu và triển khai đầu tư công trình đê điều, phòng chống lũ. Hoàn thiện, nâng cấp mạng lưới các trạm cảnh báo thiên tai hiện có. Rà soát các công trình đập dâng, hồ chứa nước đã xuống cấp để gia cố, nâng cấp...
Địa phương này tiếp tục khoanh định vùng hạn chế khai thác tài nguyên nước, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước cho các sông suối, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các hồ chứa nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh, thực hiện theo Quyết định phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Khoanh định vùng hạn chế khai thác tài nguyên nước: Các vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện theo các Quyết định phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất.
Bên cạnh đó, địa phương này cần tiếp tục triển khai hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước trong đó bao gồm các điểm quan trắc nước mặt và các điểm quan trắc nước dưới đất. Mạng lưới giám sát tài nguyên nước mặt gồm 10 điểm quan trắc, mạng giám sát tài nguyên nước dưới đất gồm 20 điểm quan trắc.
Hải Nam
Bình luận