Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ ba, 01/03/2022 16:03
TMO - Thời gian gần đây, một số vùng chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nguy cơ bị sụt giảm diện tích. Trước nguy cơ trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương có biện pháp bảo vệ hiệu quả các vùng chè và chịu trách nhiệm về việc để sụt giảm diện tích chè trong vùng bảo vệ.
Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên một ha đất trồng chè. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 22,5 nghìn ha chè, trong đó có nhiều vùng sản xuất chè tập trung như vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), Đại Từ, Phú Lương. Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh có chính sách hỗ trợ, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống nên diện tích chè giống mới đạt hơn hơn 80%.
Với việc áp dụng kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, nên năng suất, chất lượng chè Thái Nguyên không ngừng tăng lên, đến nay năng suất bình quân đạt 123,8 tạ chè búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến của toàn tỉnh đạt khoảng 50 nghìn tấn.
Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên một ha đất trồng chè
Bình quân toàn tỉnh, mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm, đặc biệt vùng chè Trại Cài, Minh Lập (huyện Đồng Hỷ) đạt giá trị 500- 600 triệu đồng/ha/năm; vùng chè La Bằng, Tân Linh (huyện Đại Từ) đạt 500- 670 triệu đồng/ha/năm; vùng chè đặc sản Tân Cương đạt đến 750 triệu đồng/ha/năm. Cây chè góp phần tích cực phát triển kinh tế cho người dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm chỉ còn 2,16%.
Tuy nhiên, diện tích trồng chè những năm gần đây tăng chậm, thậm chí đang có nguy cơ giảm ở một số huyện và thành phố Thái Nguyên. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh sang làm công nghiệp, dịch vụ; nhiều dự án phát triển hạ tầng, công nghiệp, du lịch, khu dân cư, khu đô thị được đầu tư... làm cho diện tích trồng chè có nguy cơ giảm.
Trước tình hình trên, mới đây UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 593/UBND-CNN&XD về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè. Trong đó nêu rõ, nhiều năm qua, chè được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, có giá trị thương hiệu lớn của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát lại quy hoạch, không quy hoạch các dự án khác vào các khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè của địa phương (trừ các dự án trọng điểm của tỉnh và dự án quan trọng cấp quốc gia). Không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu chính quyền thành phố Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, nơi đang có các dự án liên quan đến đất trồng chè, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè hoặc để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trái phép trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.
Đức Tuấn
Bình luận