Hotline: 0941068156
Thứ ba, 25/02/2025 20:02
Thứ ba, 25/02/2025 06:02
TMO - Nuôi thủy sản có vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên hiện nay, thời tiết đang diễn biến thất thường, do đó việc bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản khi thời tiết giao mùa là rất quan trọng.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thời điểm giao mùa có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của đàn thủy sản nuôi và sự biến động của các yếu tố môi trường nước, đặc biệt là nhiệt độ. Nhiệt độ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thuỷ sản hoặc gián tiếp thông qua các quá trình lý hoá của thuỷ vực. Nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc, làm giảm sức đề kháng, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển. Đặc biệt trong những tháng đầu năm, thời tiết thường xuyên mưa phùn ẩm, có lúc rét đậm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của các vùng nuôi thủy sản.
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc thủy sản giai đoạn giao mùa, chuẩn bị xuống giống vụ mới. Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức thấp, về đêm giảm xuống 9-10 độ C làm cho một số đối tượng cá chịu rét kém như: Chim trắng, Rô phi đơn tính, Chuối hoa thả nuôi tại các ao, hồ có điều kiện nuôi không bảo đảm bị chết rét.
Tại một số hộ nuôi cá lồng trên sông Đuống, sông Thái Bình, cá Nheo mỹ (Lăng đen) bị chết rải rác, cỡ cá chết phổ biến từ 150 - 500 g/con, cá biệt 1.500 - 2.500g/ con. Ngoài ra, khi trời nồm ẩm, các đối tượng vi khuẩn gây hại phát triển và lây lan mạnh, gây bệnh cho nhiều đối tượng cá.
Để giảm thiểu thiệt hại cho các hộ nuôi, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tại các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có sản xuất thủy sản, hướng dẫn các hộ nuôi, cơ sở sản xuất cá giống triển khai biện pháp chống rét, chăm sóc, phù hợp.
Các hộ nuôi định kỳ 15-20 ngày/lần sử dụng nước vôi trong để xử lý môi trường nước; không đánh bắt vận chuyển cá tại các ao, lồng nuôi khi nhiệt độ dưới 18oC. Thường xuyên treo túi vôi hoặc Vạn tiêu linh dạng viên nén tan chậm với số lượng 2 - 3 túi/1 lồng để khử khuẩn, hạn chế ký sinh trùng làm trung gian gây bệnh. Điều chỉnh giảm lượng thức ăn cho cá trong thời gian cá bị bệnh, nên sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá có độ đạm từ 25-28% protein. Chú ý bổ sung Vitamin C định kỳ, thuốc trị nội ngoại ký sinh trùng 15-20 ngày/lần để tăng cường sức đề kháng của cá. Đối với những đàn cá bị nhiễm bệnh, sử dụng thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn liên tục 5-7 ngày, bổ sung thuốc bổ như Vitamin C… với lượng 3-5g/kg thức ăn/ngày. Bố trí hệ thống sục khí, sử dụng một hóa chất khử khuẩn liên tục trong 2-3 ngày.
Đối với thuỷ sản bị chết cần thu gom xử lý đúng quy định; tuyệt đối không được vứt thuỷ sản chết ra sông để tránh lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Khi có hiện tượng thuỷ sản thả nuôi bị chết cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, báo cho cán bộ thú y cơ sở biết để tổng hợp và có biện pháp xử lý kịp thời.
(Ảnh minh hoạ: TC).
Dự kiến đến ngày 30-4, các hộ đang chuẩn bị xuống giống cho vụ cá mới, trong khi theo dự báo, hoạt động của không khí lạnh trong 3 tháng đầu năm 2025 có thể nhiều và muộn hơn năm 2024; cần đề phòng xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, căn cứ vào khả năng đầu tư, trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thị trường để lựa chọn đối tượng và mật độ cá thả nuôi thích hợp.
Chủ động liên hệ mua giống ở các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng con giống. Đối với ao đất, nên định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao; tùy điều kiện từng nguồn nước cấp để cân đối cơ cấu giống hợp lý. Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra ao nhằm phát hiện cá nổi đầu do thiếu oxy, cá bị bệnh, tảo nở hoa... nhằm xử lý kịp thời; phòng bệnh định kỳ cho cá nuôi.
Khi thời tiết nắng ấm các hộ tích cực chăm sóc các đối tượng cá giống thả nuôi bằng thức ăn tinh (ngô, thóc mầm…) kết hợp với thức ăn công nghiệp và bổ sung đủ rau. Đối với các hộ nuôi cá lồng, cần chuẩn bị túi vôi để khử trùng lồng nuôi, kết hợp với một số loại thuốc và Vitamin C trộn với thức ăn tăng sức đề kháng cho cá.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho đàn cá phát triển khoẻ mạnh trong thời điểm giao mùa thì các hộ nuôi cần tuân thủ một số biện pháp sau, đối với ao nuôi: Địa điểm nuôi trước tiên nguồn nước sạch sẽ không độc hại với động vật thủy sản. Không có các nguồn nước thải công nghiệp, dân sinh đổ vào. Ao nuôi có cống cấp và thoát nước riêng biệt. Tẩy dọn ao trước khi nuôi bao gồm tát cạn, nạo vét bùn đáy, tu sửa bờ ao, dọn cỏ rác, phơi khô đáy ao, dùng vôi bột 7-10 kg/100m2 để diệt trừ địch hại. Giữ độ sâu mực nước ao nuôi 1,5-2 m để ổn định nhiệt độ môi trường.
Trong suốt quá trình nuôi cần phải giữ vệ sinh trại, ao đầm nuôi để đảm bảo chất lượng nước tốt, tránh sự tích tụ của các chất hữu cơ, hợp chất nitơ,…… quản lý pH, Oxy, độ kiềm trong khoảng thích hợp. Hạn chế tối đa những hoạt động có thể làm cá bị “sốc” như bắt, kéo lưới, san cá.
Thường xuyên thăm kiểm tra ao nuôi hàng ngày để phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời như: nước ao có hiện tượng đổi màu, cá bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước…Vào những ngày thời tiết thay đổi khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu bất thường do thiếu ô xy thì cần bơm nước sạch vào ao hoặc dùng quạt nước, máy đánh sóng để tăng cường oxy. Thường xuyên cấp nước mới vào ao để tăng cường oxy và không gian sống của cá.
Phần lớn các loại bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản xuất hiện theo mùa; Do đó trước mỗi mùa bệnh, thuỷ sản cần được cho ăn phòng, tích cực cho thuỷ sản ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo về chất để an toàn, hạn chế dịch bệnh cho vùng nuôi thuỷ sản…/.
Minh Lý
Bình luận