Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ hai, 26/09/2022 13:09
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình, đề án bảo tồn và phát triển nguồn gen động, thực vật bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu, nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học và khai thác hiệu quả, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Vĩnh Phúc nằm trong khu vực châu thổ đồng bằng sông Hồng. Do đặc điểm địa lý và quá trình phát triển lâu dài, nơi đây hình thành 3 vùng sinh thái rõ rệt: Đồng bằng, trung du và miền núi. Đặc điểm địa hình và khí hậu đa dạng làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao của nước ta thể hiện ở sự phân hóa và độc đáo của các hệ sinh thái và các bậc phân loại, trong đó có bậc loài.
Báo cáo tổng hợp Rà soát, thống kê các loài, nguồn gen bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy: Khu hệ động, thực vật tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 3.236 loài, bao gồm: 1.568 loài thực vật, 78 loài thú, 287 loài chim, 55 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư, 139 loài cá, 71 loài động vật nổi và động vật đáy, 815 loài côn trùng... Trong đó, số lượng loài quý hiếm bị đe dọa là 508 loài (thực vật: 434 loài, động vật: 74 loài), chiếm 15,7 % tổng số loài hiện có.
VQG Tam Đảo ghi nhận hệ thực vật đa dạng với nhiều loài quý hiếm như Trà hoa vàng, Hoàng thảo...
Vườn Quốc gia Tam Đảo được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái. Theo số liệu điều tra của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, Tam Đảo có 904 cây có ích, thuộc 478 chi, 213 họ thuộc 3 ngành dương xỉ, hạt trần và hạt kín. Các loài cây này được xếp thành 8 nhóm có giá trị khác nhau. Trong các loài thực vật, có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như: Hoàng thảo Tam Đảo, Trà hoa dài, Trà hoa vàng Tam Đảo, Trọng lâu kim tiền...
Về khu hệ động vật, có 840 loài động vật, trong đó có 39 loài đặc hữu. 8 loài đang nguy cấp, 17 loài sẽ nguy cấp, 13 loài hiếm có và 18 loài đang bị đe dọa. Vườn Quốc gia Tam Đảo còn đem lại giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu...
Ngoài ra, sự đa dạng về nguồn gen giống cây bản địa đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương như: Susu Tam Đảo, Cá Cóc Tam Đảo, Dứa Hướng Đạo, Gạo Long Trì - Tam Dương; Cò Hải Lựu; Rắn Vĩnh Sơn,… Nhiều cây dược liệu quý có thể phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: Trà hoa vàng Tam Đảo, Ba kích Tam Đảo, Hoàng đằng, Hoa tiên, Củ dòm, Hoàng tinh hoa trắng...
Các nguồn gen tiếp tục được bảo tồn và phát triển thông qua triển khai các nhiệm vụ khoa học, nghiên cứu
Thời gian qua, thông qua các dự án, nhiệm vụ khoa học, nhiệm vụ theo chức năng, việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen trên địa bàn tỉnh được một số cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện trên một số đối tượng nguồn gen động, thực vật được nghiên cứu bảo tồn hoặc được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận phát triển, bước đầu hình thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh hoặc lưu thông trên thị trường như cây nông nghiệp (dưa chuột nhắt Tam Dương, dứa Hướng Đạo, su su Tam Đảo, nho rừng Tam Đảo, bưởi diễn, lúa, đậu đỗ…); cây lâm nghiệp và dược liệu (trà hoa vàng Tam Đảo, ba kích, đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam, bạch đàn, keo tai tượng…)...
Ngoài ra, việc triển khai một số nhiệm vụ khoa học điển hình, có giá trị bảo tồn các loài gen quý hiếm như: bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm trà hoa vạng đã thu thập được 14 loài trà hoa vàng có nhiều xuất xứ, trong đó có 1 loài kim hoa trà từ Trung Quốc và 1 loài trà cúc phương, với tổng cộng 270 cá thể bố mẹ.
Kết quả đã có hơn 30.000 cây trà hoa vàng thuộc 14 loài được trồng sinh trưởng, phát triển tốt trên diện tích 15 ha ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý bổ béo đen, vù hương và lá khôi… tại Vườn quốc gia Tam Đảo; bảo tồn và phát triển đàn ong mật, tạo ra được gần 1.900 đàn ong giống mới; bảo tồn và phát triển loài cá cóc Tam Đảo…
Loài cá cóc Tam Đảo được được chú trọng bảo tồn và phát triển
Nhằm tiếp tục bảo vệ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục xây dựng Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Đề án hướng tới mục tiêu cụ thể là điều tra, đánh giá tư liệu hóa 04 nguồn gen thủy sản quý, có giá trị kinh tế hoặc có nguy cơ tuyệt chủng vào danh mục bảo tồn.
Thu thập và xây dựng các mô hình lưu giữ, bảo tồn nguồn gen các loại cây gỗ quý: Lim xanh; Lát hoa, Gù hương. Khai thác, phát triển nguồn gen các giống, loài cây: dược liệu, lan, nấm ăn, nấm dược liệu quý hiếm, đặc hữu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh, y tế, khoa học, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường - đa dạng sinh học.
Trong đó, các nguồn gen được lựa chọn vào danh mục bảo tồn cần có các tiêu chí sau: Cây trồng nông-lâm nghiệp, cây dược liệu, thủy sản quý hiếm, đặc hữu; Có giá, có thị trường, hoặc có tiềm năng để khai thác phát triển thành sản phẩm hàng hóa, đặc sản của địa phương; Một số loài hoang dã có quan hệ gần với cây trồng, thủy sản, có những đặc tính tốt, có thể phát triển thành đối tượng nuôi hoặc phục vụ công tác lai tạo, chọn giống; Một số nguồn gen đã được khai thác phát triển nhưng qua thời gian đã có dấu hiệu thoái hóa, suy giảm chất lượng, năng suất cần được bảo tồn, phục tráng lại; …
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025.
Mặc dù nguồn gen cần được bảo tồn của tỉnh là rất lớn, nhưng theo các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu rà soát, thống nhất đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 lựa chọn các đối tượng nguồn gen có tính cấp thiết, nguy cấp, đang bị đe dọa tuyệt chủng, chưa được bảo tồn, có trong sách đỏ hoặc quy định để đưa vào danh mục bảo tồn, khai thác nhằm đảm bảo mục tiêu bảo tồn.
Các nguồn gen được đề xuất tập trung chủ yếu vào các giống cây trồng, thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (gồm 4 nguồn gen thủy sản; hơn 70 loài cây dược liệu bản địa; 12 giống lan, nấm ăn, nấm dược liệu và nhiều loài cây gỗ quý: Lim xanh, lát hoa, gù hương…).
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và khai thác các nguồn gen quý, hiếm trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng mức độ đe dọa của các nguồn gen đặc hữu, có giá trị kinh tế cao và các nguồn gen mới, đề xuất đưa vào danh mục cần bảo tồn. Tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn gen của động vật, thực vật, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu để các cá nhân, tổ chức liên quan biết và thực hiện.
Minh Tuấn
Bình luận