Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ hai, 13/02/2023 12:02
TMO - Thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Với diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp 694.753 ha, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (trong đó diện tích đất có rừng là 407.030 ha), Điện Biên là tỉnh có tiềm năng lớn về đất đai, tài nguyên rừng để phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó phát triển lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng, trên đất trống) và các loại cây dược liệu đặc hữu.
Phần lớn diện tích cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh tập trung tại các vùng núi cao của các huyện như: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ với các loại cây đặc trưng như: sa nhân, thảo quả…Ngoài ra, còn có một số mô hình trồng cây đinh lăng, nghệ đen, hương nhu, ba kích, ý dĩ, sâm ngọc linh, sả Java... cũng bắt đầu được người dân tại một số địa phương tìm hiểu, trồng.
Tại các khu vực ở độ cao hơn 1.200 m, như: Tênh Phông, Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo); xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa); xã Pá Khoang, Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ) và các xã thuộc khu vực rừng đặc dụng Mường Nhé có thảm thực vật dày, khí hậu mát mẻ rất phù hợp cho cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa…
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh trồng dược liệu như sa nhân, thảo quả... dưới tán rừng. Ảnh: NN
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Điện Biên xác định cần thiết phải xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quy trình, thủ tục hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tập trung, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu một cách bền vững .
Theo đó, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Hiện tại, tổng diện tích trồng cây dược liệu chính trên địa bàn huyện Tuần Giáo là 494,6 ha, bao gồm thảo quả (83,5 ha, sản lượng 58,5 tấn), sa nhân (140 ha, sản lượng 18,2 tấn), sơn tra (206,1 ha, sản lượng 309,2 tấn), ý dĩ (65 ha, sản lượng 88,4 tấn), hoa hồi (5 ha đã cho thu hoạch quả, 10 ha mới trồng), phân bố chủ yếu trên địa bàn xã Tênh Phông.
Bên cạnh đó, hiện nay đã có một số hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và một số cây dược liệu có giá trị, cụ thể: Sâm 1 tuổi khoảng 50.000 cây (đa phần là sâm Ngọc Linh), từ 2-4 tuổi là 10.550 cây (gồm 5.550 cây sâm Ngọc Linh, 5.000 cây sâm Lai Châu); 12.500 cây tam thất, 5.500 cây thất diệp nhất chi hoa, 100 cây hoàng tinh hoa trắng và 200 m2 trồng lan kim tuyến.
Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Điện Biên sẽ xây dựng, hình thành vùng sản xuất cây dược liệu quý tập trung có chất lượng cao tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 200-300 ha trồng các cây dược liệu gồm sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng,... gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 100 hộ với hơn 200 lao động; khoảng 200 lao động thời vụ; giảm nghèo cho trên 100 hộ. Thu hút đầu tư xây dựng 01 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu. Xây dựng tối thiểu 01 nhãn hiệu dược liệu.
Giai đoạn 2026-2030, trồng mới thêm khoảng 500-700 ha cây dược liệu, mục tiêu đến năm 2030 toàn xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có khoảng 700-1.000 ha cây dược liệu. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 250 hộ với hơn 400 lao động; khoảng 500 lao động thời vụ (bao gồm cả lao động của các xã lân cận); xã không còn hộ nghèo. Nâng cấp cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu; xây dựng thêm các nhãn hiệu dược liệu khác của vùng trồng.
Chất lượng giống cây cho vùng trồng dược liệu được địa phương chú trọng kiểm soát. (Ảnh minh họa)
Quy mô, diện tích vùng phát triển dược liệu (vùng có độ cao từ 1.000 m trở lên so với mực nước biển) khoảng 3.980 ha, trong đó diện tích có rừng khoảng 1.741 ha, chưa có rừng khoảng 1.489 ha (thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp) và 750 ha đất khác (ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, đang được người dân canh tác nương luân canh) tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo.
Giai đoạn 2022-2025: Phát triển khoảng 200-300 ha các loài dược liệu: sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng, tập trung tại các bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa,... xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; tiếp tục chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích trồng cây thảo quả, sa nhân và sơn tra trên địa bàn xã; đồng thời nghiên cứu mở rộng phát triển một số loài dược liệu phù hợp, cho thu hoạch sớm như atiso, đẳng sâm, đương quy,...
Giai đoạn 2026-2030: Tỉnh Điện Biên tiếp tục đầu tư chăm sóc, quản lý, khai thác hiệu quả diện tích dược liệu đã trồng giai đoạn 2022-2025 và các cây dược liệu sẵn có; phát triển thêm khoảng 500-700 ha các loài dược liệu: sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng tại toàn bộ 05 bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa, Thắm Nặm, Huổi Anh, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; tiếp tục thử nghiệm, nhân rộng các loài cây dược liệu phù hợp và có thị trường tiêu thụ.
Thời gian tới, các ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá, làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện nơi trồng, với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đối với những cây thuốc phân bố tự nhiên tại địa bàn thì tiến hành bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển vị qua hình thức ươm trồng tập trung để thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, đồng thời thu hái giống cây để nhân rộng, làm cơ sở ươm trồng đại trà, từ đó tạo ra sự đồng bộ trong kế hoạch nuôi trồng và sản xuất.
Đối với những cây dược liệu quý không phân bố tự nhiên và không có nguồn giống tại huyện như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu: Các tổ chức, cá nhân chủ động liên hệ, lựa chọn và hợp tác chặt chẽ với các nhà vườn, doanh nghiệp uy tín có nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo quy định để tiến hành chuyển giao, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ và phát triển bền vững các loài cây này.
Quan tâm hỗ trợ thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, dược liệu tại vùng dược liệu để thực hiện liên kết phát triển dược liệu theo hướng bền vững. Khuyến khích hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua cầu nối là các hợp tác xã, trong đó: doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, chế biến, bao tiêu sản phẩm; hợp tác xã đứng ra tổ chức, hướng dẫn người dân sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ hoặc góp đất, góp công lao động với doanh nghiệp để thực hiện.
Thực hiện tốt mô hình liên kết Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông - Ngân hàng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó giúp hình thành và phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược: Nguyên liệu xanh, Công nghệ xanh, Sản phẩm xanh, Dịch vụ xanh; tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp sản phẩm từ cây dược liệu phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thanh Tùng
Bình luận