Hotline: 0941068156
Thứ năm, 14/11/2024 22:11
Thứ năm, 14/11/2024 08:11
TMO – Để ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, cần kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới, có các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng về các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và đặc hữu chỉ phân bố ở Việt Nam. Việt Nam có khoảng 49.200 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: Khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.500 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; dưới biển, có trên 11.000 loài sinh vật biển. Hiện, cả nước có trên 175 khu bảo tồn (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan; khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới, vườn di sản ASEAN và khu di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long và Tràng An - Ninh Bình).
Sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, tuy nhiên, hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến một số loài động, thực vật. Theo các chuyên gia, hơn 400 loài động vật đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, nguy cơ bị đe dọa. Một số loài động vật nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới. Nhiều quần thể động vật hoang dã quý hiếm đang có nguy cơ bị suy giảm. Về thực vật, cả nước hiện có hơn 140 loài cây thuốc được xếp vào diện quý hiếm cần bảo tồn khẩn cấp.
(Ảnh minh họa)
Cần bảo tồn, nhưng giải pháp nào?
Để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về đa dạng sinh học, theo các chuyên gia, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, trên cơ sở này xây dựng ý thức sinh thái, tức là làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, nhất là trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, con người cần nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và tìm cách vận dụng một cách hợp lý các quy luật đó vào thực tiễn của xã hội, để tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho phát triển xã hội.
Giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng. Đối với nước ta hiện nay, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần đổi mới công nghệ, tăng năng xuất lao động và hiệu quả kinh tế. Đổi mới công nghệ bằng hai con đường: Chuyển giao công nghệ và tự tiếp thu công nghệ hiện đại có hàm lượng chất xám cao và công nghệ sạch, từ đó chúng ta mới có thể thực hiện được công nghiệp hóa hiện đại hóa rút ngắn, đồng thời đó cũng chính là phương thức hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển khoa học - công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do vậy, chủ trương không nhập công nghệ gây ô nhiễm môi trường sinh thái với bất kỳ điều kiện nào. Phát triển kinh tế trên sự hủy hoại môi trường cũng đồng nghĩa với sự kết án tương lai của mình. Mục tiêu chuyển giao công nghệ phải làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm vấn đề môi trường sinh thái. Cần tận dụng tối đa tính năng vốn có sử dụng tài nguyên thiên nhiên từ bề rộng sang bề sâu, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Khắc phục tình trạng tiêu xài phung phí nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được (các nguyên, nhiên liệu hóa thạch).
Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng triển khai thực hiện đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương...
Những vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học ở Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã được Chính phủ nhìn nhận và hoàn thiện khung pháp lý. Nhiều kế hoạch hành động bảo tồn cho nhóm loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao đã được đưa ra, như kế hoạch bảo tồn rùa biển, voi, hổ, linh trưởng, thú ăn thịt nhỏ, mới đây nhất là Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Ðây được xem là những giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học bảo vệ thiên nhiên hướng đến phát triển bền vững.
ĐOÀN VINH
Bình luận