Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ ba, 06/09/2022 11:09
TMO - Vùng biển Khánh Hòa được đánh giá là khu vực có có hệ sinh thái đa dạng, phong phú về loài, gen. Xác định công tác bảo tồn biển có vai trò rất quan trọng trong phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, thời gian qua UBND tỉnh Khánh Hòa tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp bảo vệ các nguồn lợi trên.
Khánh Hòa là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, với 385km đường bờ biển và hơn 200 đảo lớn nhỏ, đặc biệt là Quần đảo Trường Sa. Theo Sở NN&PTNT Khánh Hòa, vùng biển của tỉnh có tổng trữ lượng thủy hải sản khoảng 150.000 tấn, cho phép khai thác ở mức từ 70.000-80.000 tấn/năm, trong đó chủ yếu là cá nổi. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã phát hiện vùng biển Khánh Hòa có 350 loài san hô, chiếm 40% tổng số loài san hô trên thế giới.
Ngoài Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Khánh Hòa còn có 3 khu bảo tồn biển cấp quốc gia được đưa vào quy hoạch gồm: Nam Yết, Thuyền Chài, Song Tử. Tổng diện tích quy hoạch cho bảo tồn biển tại Khánh Hòa là 148.030ha, chiếm gần 1/3 diện tích bảo tồn biển của cả nước. Theo đó, ngoài vịnh Nha Trang có 13 đảo, tỉnh này còn có các đảo như Bình Ba, Bình Hưng, vịnh Vân Phong với đa dạng sinh học, chưa kể đảo Nam Yết-Trường Sa.
Tỉnh Khánh Hòa chú trọng đến công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Hải Lăng
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, mặc dù trong những năm qua công tác bảo tồn biển được các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai tuy nhiên vẫn chưa đạt được những mục tiêu. Cụ thể, tại khu bảo tồn biển tại vịnh Nha Trang, nơi có hệ sinh thái rạn san hô có tính đa dạng cao và có giá trị về mặt sinh học, kinh tế quan trọng, với hơn 350 loài san hô, 230 loài cá rạn, 112 loài giáp xác, 27 loài da gai và 112 nhuyễn thể đã được ghi nhận. Tuy nhiên hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%.
Thời gian qua, công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Nguyên nhân là do nguồn lực còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; sự quan tâm vào cuộc của chính quyền, các cơ quan liên quan chưa đầy đủ, chưa chú trọng công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Nguồn lợi thủy sản suy giảm đáng kể, môi trường sống của các loài thủy sản bị ô nhiễm; các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái cả về quy mô, diện tích lẫn chất lượng. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn diễn ra, chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Công tác điều tra nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là ở những vùng biển ven bờ có các hệ sinh thái.
Sở NN&PTNT, thời gian tới, các ngành chức năng, địa phương ven biển trong tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ để chuyển đổi một số nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt sang nghề khác.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy hải sản có tính chất hủy diệt nguồn lợi. Ảnh: Thanh Hòa
Đồng thời, phát huy hiệu quả của các mô hình đồng quản lý ven bờ, từ đó nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá, từng bước phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản, nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách thả giống ra vùng nước tự nhiên tại các vịnh, như: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh và các đầm: Nha Phu, Thủy Triều; xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hộ tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang…
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác bảo tồn biển Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong thời gian tới, bên cạnh việc có kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Khánh Hòa cần sớm thành lập Khu Bảo tồn biển Nam Yết và giao cho huyện đảo Trường Sa quản lý; quan tâm bố trí thêm nguồn kinh phí để giúp việc quản lý bảo tồn biển được hiệu quả.
Theo báo cáo Sở NN&PTNT Khánh Hòa, đảo Nam Yết (Trường Sa) được quy hoạch là khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp Quốc gia có tổng diện tích 35.000ha, trong đó, diện tích biển 20.000ha. Toàn bộ diện tích đảo rạn san hô Nam Yết rộng 15.000 ha. Tại khu vực biển Nam Yết có 185 loài thực vật phù du, 307 loài động vật phù du, 86 loài rong, 2 loài cỏ biển, 225 loài động vật đáy, 414 loài cá san hô và 2 loài rùa biển.
Trong số các loài sinh vật biển đã phát hiện có nhiều loài thuộc nhóm sinh vật quý hiếm trong sách đỏ như tôm hùm, bào ngư, trai tai tượng, hải sâm, ốc anh vũ, đồi mồi, nhum đá, vích… khu bảo tồn biển Nam Yết đã được Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa vào quy hoạch giai đoạn 2022-2030.
Hoàng Khánh
Bình luận