Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ hai, 10/10/2022 13:10
TMO - Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) từng bước siết chặt, triển khai nhiều giải pháp. Qua đó đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng)
Bảo Lâm là huyện miền núi của tỉnh Cao Bằng có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại. Hiện nay, huyện có 4 mỏ, điểm mỏ được cấp phép khai thác còn hiệu lực gồm: mỏ vàng Nam Quang, xã Nam Quang và xã Nam Cao do Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông khai thác tại khu vực Pác Ngàm, Khâu Cà thuộc xã Nam Quang; mỏ vàng Thẩm Riềm do Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng khai thác tại xóm Đon Sài, xã Nam Quang.
Mỏ đá Vĩnh Phong, xóm Phja Nà, xã Vĩnh Phong của Công ty TNHH Hiệp Thành Cao Bằng hiện đang hoàn thiện các thủ tục để xin cấp phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phục vụ thi công công trình trên địa bàn; mỏ chì kẽm Bản Bó, xã Thái Học của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Bảo Lâm và Nhà máy tuyển nổi chì kẽm (Công ty TNHH CKC) tại xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miầu; mỏ đá Tu Lủng, khu I, thị trấn Pác Miầu của Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu đang thực hiện đóng cửa mỏ.
Nhận định về những tác động đến môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương hiện nay, ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Hoạt động khai thác khoáng sản có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường (đặc biệt là môi trường nước mặt) từ hoạt động khai thác, nghiền tuyển khoáng sản. Tuy nhiên, trước khi vào khai thác, các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá nguy cơ, khả năng ô nhiễm môi trường tại khu vực hoạt động khoáng sản.
Đồng thời, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường… được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản chấp hành tốt quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, đất đai; nộp ngân sách Nhà nước theo quy định và hỗ trợ địa phương nơi có khoáng sản khai thác.
Lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản tại xã Nam Quang - Ảnh: IT
Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, trong thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Khoáng sản, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định khác có liên quan, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản.
Ngoài ra, huyện Bảo Lâm cũng ban hành kế hoạch kiểm tra và thành lập tổ kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lâm phát hiện 04 vụ hoạt động khai thác khoáng sản vàng trái pháp luật (không có Giấy phép khai thác khoáng sản) tại xã Nam Cao, Yên Thổ, Nam Quang.
UBND huyện Bảo Lâm đã kịp thời phát hiện, đình chỉ và xử phạt theo đúng quy định, với số tiền xử phạt là 200 triệu đồng (50 triệu đồng/vụ), tịch thu máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản có giá trị 28 triệu đồng; Tiêu hủy (đốt) 03 lán trại và các trang thiết bị, dụng cụ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (dây nước, vòi hút nước, máng chảy, nón lắc tuyển vàng…) Đến nay, trên địa bàn huyện không có các điểm hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật.
Có thể thấy, trong những năm qua, việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản luôn được các cấp, ngành chức năng của huyện Bảo Lâm quan tâm, chỉ đạo thực hiện, gắn với bảo vệ môi trường. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo, quản lý đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường.
Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: UBND huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị. Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường theo đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải phát sinh từ hoạt động khoáng sản được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Coi trọng phương án phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi hoàn thành, kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.
Đặc biệt, các cấp, chính quyền và ngành chức năng của huyện Bảo Lâm đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường được chú trọng; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị và quần chúng Nhân dân. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các xã, thị trấn được tổ chức thường xuyên, kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, đề xuất xử lý những trường hợp vi phạm.
Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và nhân dân trên địa bàn huyện nói chung, từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, cùng chung tay bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp và có hiệu quả.
Thiên Trường - Kiều Hiếu
Bình luận