Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ ba, 16/07/2024 07:07
TMO - Theo Báo cáo kinh tế kỹ thuật số năm 2024 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Ấn Độ có tốc độ gia tăng rác thải điện tử nhanh nhất thế giới.
Khối lượng chất thải được tạo ra từ màn hình, máy tính cũng như các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin nhỏ ở Ấn Độ đã tăng 163% từ năm 2010 đến năm 2022.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng một phần đáng kể chất thải tạo ra từ quá trình số hóa được quản lý ở những cơ sở không chính thức, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chất thải điện tử chứa các vật liệu nguy hiểm, nếu không được xử lý đúng cách có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
(Ảnh minh họa).
Khoảng 40% hàm lượng chì và 70% hàm lượng kim loại nặng được chôn dưới đất là từ rác thải điện tử. Những chất gây ô nhiễm này dẫn tới nguồn nước và không khí bị ô nhiễm, đất bị axit hóa. Việc phơi nhiễm kéo dài với những hóa chất hoặc chất gây ô nhiễm thải ra từ quá trình tái chế rác thải điện tử không an toàn sẽ hủy hoại hệ thống thần kinh, hệ thống máu, thận và phát triển trí não, gây rối loạn hô hấp, gây ra các bệnh về da, ung thư phổi, viêm phế quản, bệnh tim mạch, gan...
Trước đó, báo cáo của Cơ quan Giám sát rác thải điện tử toàn cầu thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy lượng rác thải điện tử toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục và đang tăng nhanh gấp 5 lần so với tốc độ tái chế. Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, môi trường và khí hậu, trở thành một hiểm họa khôn lường nếu không có biện pháp kịp thời.
Năm 2022, thế giới đã tạo ra 62 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 82% so với năm 2010. Đáng lo ngại, chỉ khoảng 22,3% rác thải này được thu gom và tái chế. Với tốc độ này, đến năm 2030, rác thải điện tử có thể đạt 82 triệu tấn. Rác thải điện tử chứa nhiều chất độc như chì và thủy ngân, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe con người.
Mặc dù mối lo ngại về rác thải điện tử ngày một tăng, chỉ có 81 quốc gia có chính sách về vấn đề này vào năm 2023. Một số quốc gia, như các nước trong EU và Ấn Độ, đã có các biện pháp khuyến khích sửa chữa và tái chế sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, tại Mỹ, vẫn chưa có luật liên bang quy định việc tái chế đồ điện tử.
Thu Hà
Bình luận