Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ ba, 11/10/2022 12:10
TMO - Nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn trong phát triển rừng bền vững, những năm gần đây ngành Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam tăng cường quản lý, bảo đảm chất lượng giống cây lâm nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay trên địa bàn tỉnh có 141 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó có 60 cơ sở có giấy phép kinh doanh do tỉnh và huyện cấp, còn 81 cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Các loài cây trồng chính được các cơ sở sản xuất chủ yếu là cây keo, quế, sao đen, một phần nhỏ là lim xanh, giổi, huỳnh đàn...
Những năm gần đây, hàng năm diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 30.000 ha/năm, nhu cầu cây giống cần 75.000.000 cây/năm. Các cơ sở mới chỉ cung ứng được khoảng 54.000.000 cây/năm. Do đó, hơn 20 triệu cây giống còn phải mua ở các tỉnh khác về trồng.
Trước tình trạng khan hiếm giống cây lâm nghiệp chất lượng cung ứng ra thị trường, một số chủ sản xuất, kinh doanh giống là hộ gia đình, cá nhân tự phát nên chưa đảm bảo các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; đồng thời chưa nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, nguồn vật liệu giống chưa đảm bảo, do đó chất lượng nguồn giống cung cấp hiệu quả thấp.
Nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng, thời gian tới ngành lâm nghiệp tỉnh xây dựng dự án phát triển giống cây tại một số địa phương
Từ thực trạng này, nhằm cung cấp, bổ sung giống cho công tác trồng rừng trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam đang triển khai xây dựng một số dự án về phát triển giống tại một số địa phương như Nam Giang, Bắc Trà My, Phú Ninh…
Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam xây dựng Đề án phát triển nguồn giống cây lâm nghiệp bản địa giai đoạn 2022 - 2028, dự kiến xây dựng 20ha lâm phần tuyển chọn lim xanh, ươi, giổi, muồng đen đảm bảo bảo chất lượng; phối hợp với UBND huyện Thăng Bình lập hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đối với tràm dó lấy dầu tại địa phương.
Vừa qua, tại hội thảo chuyên đề về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Xem đây là một trong những khâu quan trọng góp phần phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp Việt Nam, để tăng năng suất cây trồng, bên cạnh chọn tạo giống có năng suất cao, vùng sinh thái và điều kiện địa hình phù hợp, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tạo điều kiện tối ưu cho sinh trưởng của cây trồng.
Trong đó, việc xác định giống cây đảm bảo chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, giúp cải thiện mục tiêu năng suất rừng trồng phù hợp với điều kiện sinh thái và môi trường tự nhiên. Để phát triển giống cây lâm nghiệp đạt chuẩn, ngoài quản lý, chọn lựa và nhân giống chất lượng cao, các chuyên gia khuyến khích ứng dụng quy trình, công nghệ nhân giống theo phương thức nuôi cấy mô tế bào, cải tiến các vườn ươm cây giống bằng vỏ bầu…
Bên cạnh tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống lâm nghiệp, Quảng Nam đặt mục tiêu nghiên cứu công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giống, phục vụ truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất kinh doanh giống cây trồng…
Công tác quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây tại các vườn ươm được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng. Ảnh: ALN
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với những hạn chế trong công tác quản lý, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ:
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải sản xuất, kinh doanh các loại giống cây lâm nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Đối với các loài cây trồng lâm nghiệp chính, phải đảm bảo sử dụng vật liệu nhân giống từ giống, nguồn giống đã được công nhận. Tuân thủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
Cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT. Lập và lưu giữ hồ sơ giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định, chịu trách nhiệm về tính chính xác của nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp trong hồ sơ; tổ chức ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định, công bố tiêu chuẩn giống cây trồng do mình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức tốt công tác quản lý về giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; về quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp.
Khuyến khích sử dụng giống có năng suất chất lượng cao, cây giống vô tính (mô, hom) để trồng rừng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích; hướng dẫn tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định khi tham gia sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không đảm bảo chất lượng, không có hồ sơ nguồn gốc giống, không đáp ứng các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống; buộc tiêu hủy tất cả các lô giống cây trồng lâm nghiệp không đảm bảo chất lượng, không có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ và các hành vi vi phạm khác trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
Sở NN&PTNT thực hiện nghiêm túc các quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp để nâng cao chất lượng giống trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ chất lượng theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính; tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lĩnh vực lâm nghiệp. Khuyến khích thực hiện quản lý chất lượng giống theo chuỗi đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống trước khi đưa vào trồng rừng;
Thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giống lâm nghiệp để phục vụ truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ điều kiện; danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận theo đúng quy định.
Minh Tân
Bình luận