Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ ba, 13/09/2022 11:09
TMO - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái chú trọng triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả của việc triển khai nhiệm bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ chứa đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Yên Bái có 2 hệ thống sông chính là sông Thao và sông Chảy. Đây là nguồn cung cấp nước mặt lớn cho tỉnh với khối lượng nước hàng chục tỷ m3/năm, cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoảng 24.700 ha ao hồ, đập chứa nước, chủ yếu tập trung ở các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên. Lượng nước mặt nội sinh trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người đạt 10.180m3/người/năm, cao gấp 2,5 lần so với trung bình cả nước (khoảng 4.000m3/người/năm).
Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa mùa khô và dòng chảy mùa kiệt trên lưu vực có xu hướng giảm kết hợp với hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động lớn đến nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay các công trình cấp nước tưới và cấp nước sinh hoạt tại tỉnh quy mô còn nhỏ, khả năng điều tiết hạn chế sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hạn hán đến hoạt động cấp nước của công trình.
Ngoài ra, một số công trình đập, hồ chứa nước tại tỉnh Yên Bái tiếp tục xuống cấp, trong khi đó mưa lũ đang ngày càng gia tăng kết hợp với sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm thực vật có thể làm gia tăng các rủi ro mất an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
UBND tỉnh Yên Bái triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập chứa nước tại các công trình trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi trên nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo vận hành trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
Trước những yêu cầu trên, tỉnh ủy Yên Bái vừa ban hành Chương trình hành động số 121-CTr/TU triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Yên Bái.
Trong đó, hướng tới mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội, mọi người mọi đối tượng được tiếp cận và sử dụng nước sạch. Chủ động tích trữ, điều hòa, bảo vệ nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình hành động đặt mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu có trên 91% hộ gia đình ở thành thị và 25% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc số; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.
Bảo đảm 80% hồ chứa lớn được kiểm soát, giám sát để duy trì dòng chảy tối thiểu của các lưu vực sông; 50% lưu vực sông Thao, sông Chảy có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến. Bảo đảm 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 10% tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
Đến năm 2030 đảm bảo cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và trên 50% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Yên Bái đảm bảo an ninh nguồn nước, trong đó chú trọng đến các công trình cấp nước sạch phục vụ dân sinh. Ảnh: Minh Quang
Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm có trên 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi đến năm 2045.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong thực hiện Chương trình hành động trên, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước.
Đặc biệt với nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước, UBND tỉnh Yên Bái các đơn vị tiếp tục triển khai các chuyên đề “Thực trạng và phương án phát triển kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, mạng lưới thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Thực trạng và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”...
Chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng công trình bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, cấp và trữ nước, công trình cấp thoát nước sinh hoạt nông thôn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm nước như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên. Kết hợp đầu tư đồng bộ các công trình thủy lợi, khắc phục tình trạng hạn hán thiếu nước tại các khu vực có diện tích tập trung chuyên thâm canh lúa nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; Phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước; Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Thu Hoài
Bình luận