Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ ba, 22/10/2024 14:10
TMO - Theo Bộ Nông nghiệp Bangladesh, lũ lụt đã phá huỷ khoảng 1,1 triệu tấn gạo của nước này, khiến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh giá thực phẩm đang tăng cao, Bangladesh vẫn phải đẩy mạnh nhập khẩu loại lương thực chủ lực này để cung cấp cho người dân chống đói. Lũ lụt do các cơn mưa gió mùa lớn và hoạt động xả nước ở thượng nguồn đã tàn phá Bangladesh 2 lần trong tháng 8 và tháng 10 năm nay, khiến ít nhất 75 người thiệt mạng và hàng triệu người người khác bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở các khu vực phía Đông và phía Bắc, nơi các cánh đồng bị tàn phá nặng nề nhất.
Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho biết lũ lụt năm nay đã gây ra thiệt hại đáng kể đối với sản lượng lúa. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Bangladesh đang nhanh chóng nhập khẩu 500.000 tấn gạo và dự kiến sẽ sớm cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu, một quan chức Bộ Lương thực cho biết.
Lên nắm quyền từ tháng 8/2024 sau khi hàng loạt các cuộc biểu tình lớn nổ ra buộc cựu Thủ tướng Sheikh Hasina phải chạy trốn sang Ấn Độ, chính phủ lâm thời Bangladesh đã phải vật lộn để ổn định giá lương thực vốn đã tăng gần 20% trong những tháng gần đây. Việc Bangladesh tăng khối lượng nhập khẩu có thể là tin vui đối với nước láng giềng Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới tháng trước đã cắt giảm thuế xuất khẩu gạo đồ xuống còn 10% để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, lũ lụt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loại nông sản khác, trong đó có hơn 200.000 tấn rau. Tổng thiệt hại nông nghiệp trên toàn quốc do lũ lụt ước tính khoảng 45 tỷ taka (tương đương với 380 triệu USD).
Lũ lụt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân Bangladesh. (Ảnh minh hoạ: Reuters).
Lũ lụt năm nay đã cho thấy Bangladesh dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Một phân tích của Viện Ngân hàng Thế giới năm 2015 ước tính 3,5 triệu người ở Bangladesh có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt mỗi năm, một nguy cơ mà các nhà khoa học cho rằng đang trở nên ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Lãnh đạo khoa học tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Bangladesh cho biết, để đảm bảo an ninh lương thực khi đối mặt với những thách thức khí hậu ngày càng tăng, điều cần thiết là phải phát triển nhiều giống cây trồng chịu được lũ lụt và hạn hán hơn, cùng với các giống cây có thể sinh trưởng trong thời gian ngắn. Việc đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp là rất cần thiết để phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Bằng cách tập trung vào các đặc điểm chống chịu lũ lụt và hạn hán, Viện nghiên cứu lúa gạo có thể giúp nông dân thích nghi với biến đổi khí hậu và ổn định năng suất ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt.
Bangladesh là quốc gia sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, trung bình sản xuất gần 40 triệu tấn gạo mỗi năm để nuôi sống dân số 170 triệu dân. Tuy nhiên, thiên tai thường làm gián đoạn sản xuất và dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nhập khẩu.
An Khánh
Bình luận