Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ sáu, 21/01/2022 14:01
TMO - Mới đây, một cảnh tượng hiếm gặp đã xảy ra khi băng tuyết che phủ lớp cát trên sa mạc Sahara sau khi nhiệt độ tại đây giảm xuống -2 độ C dưới ảnh hưởng của khối khí lạnh áp suất cao.
Thông thường vào tháng 1, khi băng tuyết phủ kín nhiều nơi trên thế giới, các sa mạc ở châu Phi và Trung Đông sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong năm nay điều kỳ lạ đã xảy ra tại Sahara, vùng sa mạc nóng nhất Trái Đất.
Theo trang Daily Mail (Anh), một nhiếp ảnh gia đã chụp lại hiện tượng tự nhiên bất thường này trên các cồn cát ở Sahara, khi nhiệt độ tại đây giảm dưới mức đóng băng. Trong những ngày qua, thị trấn Aïn Séfra ở Algeria tại khu vực sa mạc Sahara đã chứng kiến hiện tượng thời tiết bất thường khi băng tuyết phủ trắng các đồi cát và nhiệt độ giảm xuống dưới mức 0 độ C. Những lần tuyết rơi trước đó là các năm 1979, 2016, 2018 và 2021.
Đây là lần thứ 5 trong vòng 42 năm sa mạc Sahara có tuyết bao phủ. Ảnh: Karim Bouchetata
Thị trấn Ain Sefra có biệt danh Cửa ngõ vào sa mạc, nằm ở độ cao khoảng 915 m phía trên mực nước biển, bao quanh bởi dãy núi Atlas. Sa mạc Sahara chiếm phần lớn Bắc Phi và trải qua nhiều biến động về nhiệt độ và độ ẩm trong vài trăm nghìn năm qua. Dù hiện nay sa mạc Sahara rất khô cằn với nhiệt độ lên tới 58 độ C, giới nghiên cứu dự đoán sa mạc có thể xanh tươi trở lại sau 15.000 năm.
Theo lý giải của trang The Verge (trang tin công nghệ của Mỹ), hiện tượng tuyết rơi tại sa mạc Sahara chỉ là một phần trong mô hình khí quyển phổ biến ở Bắc Bán cầu, dẫn tới trận “bom tuyết” càn quét nước Mỹ trong suốt tuần qua.
Năm ngoái, nhiệt độ của Bắc Phi cũng thấp cực hạn trong các tháng mùa hè và mùa đông. Băng và tuyết là hiện tượng thời tiết khác thường ở vùng sa mạc nhưng không phải chưa xảy ra bao giờ. Nhiệt độ ở sa mạc có thể giảm mạnh qua đêm nhưng tuyết rơi thường tan chảy rất sớm vào ngày hôm sau.
Hoài Dương
Bình luận