Hotline: 0941068156
Thứ ba, 28/01/2025 00:01
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
TMO - Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Đáng chú ý, theo quy định mới, tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được phân loại thành tài sản thuộc Trung ương quản lý và tài sản thuộc địa phương quản lý.
Cụ thể, tại Nghị định số 12/2025/NĐ-CP về quy định, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các nguyên tắc sau; về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; được thực hiện chế độ tính hao mòn tài sản và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật.
Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo phương thức cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản được thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần của từng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Trường hợp khai thác một phần của từng tài sản thì phải đảm bảo hoạt động giao thông đường thủy nội địa thông suốt, an toàn và không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn lại. Khi quyết định giao, khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này, trường hợp tài sản có liên quan đến quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng; trường hợp tài sản có liên quan đến an ninh quốc gia phải có ý kiến của Bộ Công an.
Trường hợp tài sản không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý đường thủy nội địa, cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm xác định tại hồ sơ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, khai thác, xử lý tài sản. Trường hợp thực hiện khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này mà làm ảnh hưởng đến các tài sản kết cấu hạ tầng khác có liên quan thì phải có ý kiến của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan đó và phải có giải pháp, xác định rõ trách nhiệm để khắc phục.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng đất, mặt nước gắn với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và pháp luật khác có liên quan.
Không thực hiện việc chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp quyền sử dụng đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quyền sử dụng khu vực biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Trường hợp thu hồi đất gắn với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật đất đai thì việc thu hồi đất gắn với tài sản, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc xử lý đất, tài sản gắn liền với đất sau khi thu hồi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
(Ảnh minh hoạ).
Theo Nghị định, tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và vùng đất, vùng nước (nếu có) gắn với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia được xác định như sau: Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có liên quan đến quốc phòng xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có liên quan đến an ninh quốc gia xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia… Một trong nội dung đáng chú ý của quy định mới là phạm vi và hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cho cơ quan quản lý tài sản.
Theo đó, tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy (gọi tắt là tài sản) được phân loại thành tài sản thuộc Trung ương quản lý, tài sản thuộc địa phương quản lý. Tương ứng với đó là phân cấp quản lý tài sản, gồm: Cơ quan quản lý tài sản ở trung ương được giao quản lý đối với tài sản thuộc trung ương quản lý; Cơ quan quản lý tài sản ở địa phương (gồm: Cơ quan quản lý tài sản cấp tỉnh; cơ quan quản lý tài sản cấp huyện) được giao quản lý tài sản thuộc địa phương.
Về thẩm quyền quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở Trung ương. UBND cấp tỉnh quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở địa phương.
Với tài sản thuộc địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc giao tài sản thuộc địa phương quản lý cho cơ quan quản lý tài sản cấp tỉnh, cơ quan quản lý tài sản cấp huyện theo đề nghị của cơ quan quản lý đường thủy nội địa cấp tỉnh. Việc giao tài sản cho các cơ quan được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản.
Sau khi được giao quản lý tài sản, cơ quan quản lý tài sản thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được giao theo quy định tại nghị định và pháp luật có liên quan.
Cùng đó, phải có văn bản của cơ quan quản lý tài sản quy định rõ nội dung phân cấp hoặc ủy quyền hoặc giao và quy trình nội bộ để đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại nghị định. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2025.
Đặng Thuỷ
Bình luận