Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 23/11/2024 21:11

Tin nóng

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thứ bảy, 23/11/2024

Bắc Ninh - vùng quê của nhiều lễ hội và di tích

Thứ ba, 04/01/2022 15:01

TMO - (Bắc Ninh - Kinh Bắc) là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, xưa là một trong tứ trấn (trấn Bắc) của kinh thành Thăng Long, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng, là vùng địa linh nhân kiệt với nền văn hóa lâu đời, quê hương của vương triều Lý, nơi có truyền thống khoa bảng, có làn điệu dân ca quan họ mượt mà đằm thắm và nhiều huyền thoại gắn với bao di tích lịch sử và lễ hội dân gian.

Mặc dù không có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên như một số tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng Bắc Ninh từ lâu đã được biết đến là vùng đất “mỹ tục khả phong”, “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng, văn hiến và cách mạng.

Lễ hội truyền thống

Theo thống kê chưa đầy đủ, Bắc Ninh hiện có khoảng gần 600 lễ hội ở các thôn làng diễn ra trong năm.Mỗi lễ hội là một viện bảo tàng sống về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, tập tục và những trò chơi dân gian truyền thống. Vì thế, người ta thường gọi Bắc Ninh là vương quốc của lễ hội truyền thống ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.Tuy các lễ hội truyền thống của Bắc Ninh diễn ra quanh năm nhưng có tới trên 400 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân.

Hội chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), có từ thời Lý, hàng năm được nhiều du khách tìm đến trong dịp đầu xuân không chỉ với lý do nơi đây là một danh lam thắng cảnh, một trung tâm Phật giáo lớn mà còn có cơ hội ngắm hoa mẫu đơn và nghe kể về truyền thuyết "Từ Thức gặp Tiên”. Hội chùa Phật Tích không chỉ được coi là dịp hành hương của các tín đồ phật tử mà còn là dịp tham quan, vãn cảnh, vui chơi gặp gỡ tại nơi du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Bắc Ninh hiện nay và tương lai.

Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, có liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi, Mỵ Nương. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bên bờ sông Tiêu Tương. Thời gian diễn ra lễ hội là 13/1 âm lịch tại Đồi Lim, thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Người ta nói rằng nếu chưa đến hội Lim, chưa nghe câu quan họ "người ơi, người ở đừng về" thì vẫn chưa hiểu gì về vùng quê Kinh Bắc thơ mộng này. Điều này không hề sai bởi hội được coi là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian tiêu biểu nhất của Bắc Ninh có sự hấp dẫn đặc biệt đối với nhân dân trong nước và du khách nước ngoài.

Dân ca quan họ Bắc Ninh được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể (năm 2009).

Đến hội Lim, được nhìn những liền anh, liền chị xúng xính trong tà áo mớ ba mớ bảy và áo the khăn xếp hát câu quan họ "ngồi tựa mạn thuyền", tham gia những trò chơi truyền thống hấp dẫn và phong phú như đánh vật, chọi gà, đánh đu, đập niêu, cờ người, thi nấu cơm, dệt vải… du khách thực sự được đắm mình trong bản sắc của văn hóa dân tộc và mỗi lần đến với hội Lim, họ sẽ nôn nao chờ đợi năm sau "đến hẹn lại lên". Hội Lim ngoài các cuộc thi hát quan họ đầu Xuân, phục dựng các trò vui dân gian như cờ người, đánh vật, tổ tôm điếm, dệt vải, nấu cơm, đánh đu, đập niêu đất…còn tổ chức thêm các cuộc thi người đẹp quan họ, hội trại các làng quan họ…

Chùa Pháp Vân (chùa Dâu) là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam chứng tích cho sự truyền thừa Phật Giáo Việt có nguồn gốc truyền từ Ấn Độ. Nơi thể hiện sự hòa mình nhập thế của đạo phật với tâm niệm tùy duyên bất biến được hiện rõ qua hình tượng Tứ Pháp. Chùa Dâu được coi là một ngôi chùa linh thiêng nên còn được gọi là chùa Diên Ứng (diên là cầu, ứng là hiệu, tức cầu gì được nấy). Các đời vua của các triều đại xa xưa đã từng về chùa Dâu để rước tượng Pháp Vân về chùa Báo Thiên (Hà Nội), để cầu đảo (cầu mưa cầu gió). Vua Lý Thánh Tông cũng đã về chùa cầu tự, khi đi thuyền trên sông đã gặp nguyên phi Ỷ Lan.

Đến hẹn lại lên, từ mùng 6 - 8/4 âm lịch, người dân 3 xã Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn thuộc vùng Dâu - Luy Lâu, huyện Thuận Thành lại náo nức mở hội rước Phật Tứ pháp. Điểm độc đáo nhất của lễ hội chùa Dâu là tục cướp nước. Hai kiệu Pháp Lôi và Pháp Vũ sẽ đua nhau chạy ra tam quan, kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước. Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở. Đây được coi là hoạt động tín ngưỡng cầu thần Nước đặc trưng của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn rất nhiều lễ hội truyền thống khác như: Lễ hội chùa Bút Tháp, lễ hội Đình Bảng, Hội đền Đô, Hội pháo Đồng Kỵ, Hội đình Từ Phong, Hội làng Dương Lôi…

Giữa xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, mảnh đất Kinh Bắc vẫn giữ cho mình những nét rất riêng. Tìm về với các lễ hội của mảnh đất Kinh Bắc, là dịp để tìm hiểu những phong tục, nghi lễ cổ vẫn được người dân địa phương truyền giữ, khám phá một kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đậm đà bản sắc.

Di tích lịch sử - Văn hóa

Bắc Ninh là địa phương giàu truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng. Truyền thống đó đã hình thành nên một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng, phong phú và đồ sộ với 1.558 di tích lịch sử, trong đó có 195 di tích cấp quốc gia, 386 di tích cấp tỉnh, 8 hiện vật, nhóm hiện vật bảo vật quốc gia…, tiêu biểu là 4 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý…, mỗi di tích nơi đây đều mang những dấu ấn lịch sử quan trọng.

Đặc biệt, Bắc Ninh còn là quê hương của 4 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới: dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù,tín ngưỡng thờ Mẫu, kéo co làng Hữu Chấp.

Chùa Dâu còn có tên gọi khác là Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, chùa Bà Dâu, thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013). Chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, Không chỉ mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, chùa Dâu còn là trung tâm Phật giáo lớn, cổ xưa nhất Việt Nam.

Toàn cảnh chùa Dâu.

Chùa Dâu được khởi dựng vào những năm đầu Công nguyên là trung tâm Phật giáo lớn, cổ xưa nhất của Việt Nam, mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật. Hiện nay, sân chùa có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (năm 1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng thứ 18.

Chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc tự, nằm bên bờ Nam sông Đuống (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành). Đây là một trong ít ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn, độc đáo ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay.Chùa được khởi dựng từ thời Trần Thánh Tông (1258 - 1278), được trùng tu tôn tạo lớn dưới thời Lê. Đến với chùa Bút Tháp, du khách được chiêm ngưỡng hệ thống tượng Phật đồ sộ đạt tới giá trị nghệ thuật cao như: bộ tượng tam thế, tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn.

Hệ thống các mảng chạm khắc trên chùa rất đẹp và độc đáo được thể hiện trang trí ở hầu khắp các công trình kiến trúc, trên các đồ thờ tự, đặc biệt là các mảng chạm khắc trên tòa “Cửu phẩm liên hoa” bằng gỗ gồm 9 tầng rất đặc sắc. Chốn danh lam cổ tự Bút Tháp ngày nay đang là điểm đến thường xuyên của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử văn hóa của vùng quê văn hiến Kinh Bắc. Năm 2013, chùa Bút Tháp được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa Phật Tích tên chữ là Vạn Phúc Tự, được xây dựng trên núi Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du), cách Hà Nội 20km về phía Đông. Đây là ngôi cổ tự có kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Vào triều đại nhà Lý, nhà Trần, chùa Phật Tích là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, là nơi đào tạo nhiều hiền tài cho Đại Việt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với những giá trị còn lưu giữ được đến ngày nay, chùa Phật tích không chỉ vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, mà còn là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia có một không hai trong cả nước là: đại tượng Phật A Di và hàng tượng 10 linh thú trước cửa tam quan.

Đền Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh), là một trong những di tích cổ kính thâm nghiêm gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến của quê hương Kinh Bắc. Từ lâu, ngôi đền cổ này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian vô cùng linh thiêng “cầu tài cầu lộc" và là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của nhân dân cả nước. Đền Bà Chúa Kho vốn ban đầu là ngôi miếu nhỏ, sau được mở rộng và xây dựng thành quy mô to lớn vào thời Lê-Nguyễn, nhìn tổng thể đền Bà Chúa Kho như một quần thể kiến trúc cổ kính trên sườn núi Kho, bên dòng sông Cầu thơ mộng, giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trong vùng quê quan họ đậm đặc di tích lịch sử văn hoá.Từ năm 1989, đền Bà Chúa Kho được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn.

Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành). Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, hàng ngàn vạn “con Hồng cháu Lạc” từ khắp mọi miền lại tìm về khu di tích Đền thờ và Lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ để tri ân và thờ phụng những bậc thủy tổ dân tộc đã có công khai mở đất nước.Khu di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận và cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Lăng Kinh Dương Vương được xây dựng trên bãi đất cao bên bờ sông Đuống với những hàng cổ thụ xum xuê. Cùng với lăng là hai ngôi đền được xây dựng từ lâu để thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đền thờ Kinh Dương Vương được gọi là đền Thượng gồm hai tòa: Tiền tế và Hậu đường, kiến trúc bộ vì chồng rường, chạm tứ linh, bốn mái đao cong và đắp hình theo kiểu lưỡng long chầu mặt trời.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn nhiều di tích khác như đình làng Đình Bảng, cụm di tích đình, đền chùa Cổ Mễ, di tích núi Dinh, núi Lim - chùa Hồng Ân, đình Diềm, văn miếu Bắc Ninh, đình Xuân Lôi, chùa Đại Bi, chùa Bách Môn, đền Lý Chiêu Hoàng, đền Bà Tấm, đình làng Vọng Nguyệt, di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt, thành cổ Bắc Ninh hay làng Diềm nơi duy nhất có đền thờ vua Bà (Thủy tổ quan họ).

 

 

Cồ Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline