Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ hai, 13/06/2022 11:06
TMO – UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tiến hành di dời, tái định cư cho các hộ dân sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển với tổng mức đầu tư tại thời điểm phê duyệt dự án (2014) là gần 360 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, dù nhiều khu tái định cư đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương nhưng chính quyền sở tại vẫn đang gặp khó khăn trong việc di dời dân vào ở. Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu ở thời điểm năm 2014 được xem là một trong những dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn của tỉnh Bạc Liêu mà còn giải quyết vấn đề nan giải tồn tại nhiều năm: bài toán gì để những người dân nghèo sống dưới tán rừng, trước nay vẫn được xem là những đối tượng "5 không": không nhà cửa, không học vấn, không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không đất sản xuất có được cuộc sống ổn định và chấp nhận ra khỏi rừng.
(Ảnh minh họa)
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, tổng số hộ thuộc trường hợp di dời trong Dự án là 915 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu tập trung ở các địa phương ven biển. Qua kiểm điếm, có 6 hộ đang cư trú bất hợp pháp trong rừng phòng hộ; 521 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển, các đối tượng này chủ yếu không có việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu từ nghề bắt nghêu, sò, lấy củi… dưới tán rừng ngập mặn gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Ngoài ra còn có 397 hộ dân nhận khoán rừng, đây là những đối tượng có sự quản lý tốt hơn, rừng ít bị chặt phá, lấn chiếm; năng suất, chất lượng rừng tăng lên; sản xuất theo mô hình lâm - ngư kết hợp.
Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ được lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2014 với mục đích bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động thực vật sống dưới tán rừng, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương có rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, chưa có hộ dân nào được di dời vào nơi tái định cư, đây là một vấn đề cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá để có phương án giải quyết thỏa đáng. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ di dời, tái định cư cần xác định chính xác, rõ ràng, khách quan, công khai, minh bạch đối tượng hỗ trợ. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục xem xét, rà soát chặt chẽ, chính xác các trường hợp phát sinh để thực hiện đạt hiệu quả.
Hoài An
Bình luận