Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 11:11
Thứ sáu, 24/11/2023 08:11
TMO - Là địa phương có thế mạnh về các loại nông sản, đặc sản, đặc biệt của bà con khu vực đồng bào miền núi, vùng dân tộc, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động triển khai các giải pháp để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm này.
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã chuyển dịch theo hướng đổi mới cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ đặc biệt sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân. Địa phương này đang đầu tư vào các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác…
Hiện tỉnh đang có nhiều sản phẩm nông sản đặc hữu như: Miến dong, bí xanh thơm, chè hoa vàng, bún phô, phở khô, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, gạo Bao thai, gạo Japonica, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ)… Đến nay, một số sản phẩm của Bắc Kạn đã có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Tỉnh Bắc Kạn cũng đặc biệt quan tâm và ban hành Đề án hỗ trợ các sản phẩm OCOP. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ cụ thể như: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết, dành những nguồn lực nhất định để hỗ trợ cho các hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp trong việc phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm và một số công đoạn khác để tạo ra các sản phẩm OCOP.
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Bắc Kạn đã trở thành một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có 184 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao; 165 sản phẩm 3 sao và nhiều nông sản địa phương khác. Các sản phẩm như: Miến dong Bắc Kạn, Nano Curcumin, tinh bột nghệ, trà hoa vàng, bún khô, măng khô... đang là những sản phẩm nông sản có tiềm năng thế mạnh, từng bước khẳng định uy tín nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường.
Bí xanh Ba Bể là một trong những nông sản đặc trưng được ngành chức năng tỉnh tăng cường kết nối, mở rộng tiêu thụ.
Để tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh cho bà con, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại đã được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm bằng cách xây dựng các nội dung của nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND và Kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có sự phối hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp giữa các sở, ngành, địa phương, sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố.
Hiện nay Sở Công thương Bắc Kạn hỗ trợ 08 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, tổ nhóm tập huấn kỹ thuật về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ nâng cao năng lực cho trên 19 doanh nghiệp, HTX tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế và tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước.
Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm hàng hóa của địa phương có hiệu quả, đặc biệt đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Mở rộng mạng lưới hợp tác; liên kết trao đổi thông tin đa chiều giữa tỉnh với hệ thống cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nghiên cứu, lựa chọn hình thức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài bằng nhiều hình thức; thông qua tổ chức đoàn giao dịch, tham gia các hội chợ tại nước ngoài, kênh ngoại giao trong nước, mời gọi các đại sứ quán tham quan trải nghiệm sinh thái vùng nguyên liệu, ẩm thực, văn hóa...
Hằng năm, Sở Công Thương tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, chương trình giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và các sản phẩm hàng hóa bản địa để doanh nghiệp, HTX, các hiệp hội nghiên cứu, tìm hiểu và ký kết các hợp đồng tiêu thụ, từng bước hướng tới xuất khẩu. Tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ của tỉnh.
Tỉnh Bắc Kạn đã chủ động triển khai các giải pháp để tìm đầu ra ổn định cho nông sản đặc trưng tại các địa phương.
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về xúc tiến thương mại lồng ghép các chương trình chuyển đổi số của các sở, ngành như: Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thương mại điện tử Tiktok… Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xây dựng và vận hành Cổng Thông tin điện tử “Kết nối OCOP” hồ sơ sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của Bắc Kạn, lựa chọn để đăng tải trên hệ thống; Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ trên 50 lượt hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Internet và hỗ trợ trên 120 lượt hợp tác xã tham gia kết nối chương trình tại Cổng Thông tin kết nối cung cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Cùng với các giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, nhiều sản phẩm thế mạnh của bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương đã tìm được đầu ra ổn định sản phẩm bí xanh thơm của Ba Bể đã được đưa đi tiêu thụ các địa phương trong cả nước. Từ sản phẩm bí xanh thơm, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để chế biến, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm mới như trà bí xanh thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí.... Nhờ đó, sản phẩm bảo quản được lâu hơn, tiêu thụ xa hơn và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm.
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 - 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao. Từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất truyền thống sang công nghệ hiện đại, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nhằm tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm an toàn theo quy định chất lượng nông nghiệp, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP Bắc Kạn vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài nước.
PV
Bình luận