Hotline: 0941068156
Thứ tư, 07/05/2025 11:05
Thứ hai, 05/05/2025 15:05
TMO - Bí xanh thơm là cây trồng chủ lực của huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Để nâng cao giá trị sản xuất cây trồng này, huyện Ba Bể quy định rõ các điều kiện về sản xuất, cung cấp giống... nhằm đưa ra thị trường sản phẩm có khả năng cạnh tranh.
Bí xanh thơm được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo, Hà Hiệu (huyện Ba Bể). Vụ bí năm 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được khoảng 230 ha, trong đó huyện Ba Bể là địa phương trồng được nhiều nhất với khoảng hơn 190 ha.
Từ chỗ chỉ trồng nhỏ lẻ phục vụ gia đình, những năm gần đây, chính quyền huyện Ba Bể đã định hướng phát triển bí xanh thơm trở thành cây trồng hàng hóa chủ lực trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện đã hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình trồng trọt an toàn, VietGAP và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Ba Bể đã xác định bí xanh thơm là cây hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Cuối năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng đối với vùng trồng bí xanh thơm của một loạt hợp tác xã (HTX) ở huyện Ba Bể. Trong đó cấp mã số vùng trồng đối với hơn 12ha tại thôn Khuổi Luồm, Loỏng Lứng, Nà Nghè, Nà Giảo của HTX Yến Dương, sản lượng 366 tấn/năm; 8,9ha tại thôn Khuổi Luồm (xã Yến Dương) của HTX Nhung Lũy với sản lượng khoảng 356 tấn/năm và gần 5,2ha tại thôn Bản Váng, Nà Đúc của HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh, sản lượng bí đạt 144 tấn/năm. Tất cả các vùng trồng bí này đều đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Bí xanh thơm là cây trồng chủ lực tại huyện Ba Bể.
Bí xanh thơm là loại cây trồng ngắn ngày, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 120 ngày. Trọng lượng trung bình của mỗi quả bí thương phẩm dao động từ 1,5 – trên 2kg, năng suất đạt 35-40 tấn/ha. Hiện nay, sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và đang hướng tới nâng hạng sao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và tiềm năng xuất khẩu. Một số hợp tác xã và tổ hợp tác trồng bí được hình thành và hoạt động hiệu quả, giúp liên kết nông dân với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản phẩm bí xanh thơm cũng được chế biến thành trà bí, bí sấy…để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hợp tác xã Yến Dương (huyện Ba Bể) cho biết, tại xã Yến Dương, những năm gần đây, cây bí thơm được người dân đẩy mạnh sản xuất theo quy trình an toàn. Nhờ đó, cây bí thơm trở thành một trong những cây trồng chính mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Ba Bể. Hiện Hợp tác xã Yến Dương sở hữu vùng nguyên liệu 30 ha, trong đó 10 ha đạt chuẩn hữu cơ PGS.
Thời gian qua, huyện đang tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nhằm nhân rộng diện tích trồng bí xanh thơm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ bí như: mứt, nước ép, bột bí xanh... góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Huyện cũng chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lâu dài để bảo đảm đầu ra cho nông dân trồng bí xanh thơm.
Ngoài ra, việc gắn phát triển bí xanh thơm với sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm tại các vùng trồng cũng được xem là một hướng đi triển vọng, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với vùng hồ Ba Bể. Tại các mô hình du lịch này, du khách không chỉ được nghe người dân giới thiệu về xuất xứ, quy trình trồng cây bí xanh thơm, "check in" trong vườn bí mà còn được thưởng thức một số sản phẩm làm từ bí xanh thơm như trà bí xanh, nộm bí, bí luộc và mua những quả bí chất lượng mang về nhà làm thực phẩm hoặc quà tặng cho người thân, bạn bè.
Thời gian tới, để bí xanh thơm phát triển bền vững hơn nữa, huyện Ba Bể tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương, hợp tác xã, nhóm hộ trồng cây bí xanh thơm theo hướng sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời khuyến nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ bí xanh thơm trên địa bàn huyện cần phải duy trì và củng cố mối liên kết chặt chẽ với các hộ nông dần trồng bí để hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm./.
Ngọc Ánh
Bình luận