Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ hai, 30/09/2024 15:09
TMO - Tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển, hoàn thiện mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải đô thị nhằm hạn chế nguy cơ gia tăng ô nhiễm, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác đầu tư phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đã có những chuyển biến tích cực.
Công tác quy hoạch được quan tâm và từng bước triển khai; ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý nước thải đô thị ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung đô thị, từng bước khắc phục các tiêu chí đô thị còn yếu và thiếu, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung còn thiếu; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, còn một số điểm ngập úng trong đô thị khi mưa lớn trong thời gian dài; công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại một số nơi chưa được thường xuyên và hiệu quả chưa cao; nước mưa, nước thải tại một số đô thị còn đi chung cùng một hệ thống thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường…; hiệu quả của công tác đầu tư về khắc phục một số điểm ngập úng trong đô thị chưa được như mong muốn.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguồn lực đầu tư cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung còn thiếu; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, còn một số điểm ngập úng trong đô thị khi mưa lớn.
Tại một số địa phương nhân sự có chuyên môn quản lý về phát triển hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm; nguồn vốn ngân sách dành cho công tác đầu tư phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn nhiều khó khăn; các dự án thường có nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện kéo dài, chia làm nhiều giai đoạn; do biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng mưa lớn, kéo dài và bất thường...
Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân chủ quan do một số địa phương chưa quan tâm sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, chưa xác định đúng tầm quan trọng của công tác phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn có tư tưởng xem đây là nhiệm vụ của tỉnh; việc bàn giao tiếp nhận quản lý, vận hành công nghệ của các trạm xử lý nước thải tại các đô thị còn lúng túng, thiếu nguồn nhân lực; việc kiểm soát, thu thập, đánh giá nguồn dữ liệu, số liệu hiện trạng của hệ thống thoát nước, xử lý nước thải còn chưa sát với thực tế…
Hiện nay, hầu hết các đô thị chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; các khu dân cư hiện hữu hệ thống thoát nước thải được đi chung vào hệ thống thoát nước mưa, nước thải sau khi được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại của nhà dân, một số khu đô thị mới được đầu tư hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải riêng biệt, sau đó vẫn chảy về hệ thống thoát nước mưa. Riêng thành phố Bắc Giang có 01 trạm xử lý nước thải tập trung tại xã Tân Tiến, công suất xử lý 10.000m3/ngđ và thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa có 01 trạm xử lý nước thải tập trung tại khu dân cư số 3 thị trấn Thắng, công suất xử lý 800m3/ngđ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý nước thải.
Trước thực trạng trên, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030, các đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; tỷ lệ nước thải nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt trên 80%. Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh của các đô thị đến năm 2030 là khoảng 174.329 m3/ngđ. Sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn cho các khu đô thị mới. Tại các khu dân cư thôn xóm nước thải sinh hoạt sau khi được xử lý cục bộ tại công trình được thoát chung vào hệ thống nước mưa. Hệ thống thoát nước thải hoạt động theo chế độ tự chảy.
Trong đó, tại TP.Bắc Giang, sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn cho các khu đô thị mới. Tại các khu dân cư thôn xóm nước thải sinh hoạt sau khi được xử lý cục bộ tại công trình được thoát chung vào hệ thống nước mưa. Hoạt động theo chế độ tự chảy. Giai đoạn 2020-2025: Mở rộng, nâng công suất trạm xử lý sinh hoạt Tân Tiến lên 30.000 m3/ngđ xử lý nước thải khu vực phía Đông sông Thương. Giai đoạn 2026-2030: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt mới, tổng công suất 21.000m3/ngđ xử lý nước thải khu vực phía Tây Nam sông Thương.
Tại thị xã Việt Yên: Giai đoạn đến 2030: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt mới cho khu vực nội thị của thị xã với tổng công suất 23.000 m3/ngđ xử lý nước thải (trạm xử lý nước thải sinh hoạt khu vực lưu vực thị trấn Bích Động công suất 10.000m3/ngđ; trạm xử lý nước thải sinh hoạt khu vực lưu vực thị trấn Nếnh công suất 13.000m3/ngđ). Tại các khu vực ngoại thị, các xã, nước thải sinh hoạt sẽ được xử lý cục bộ đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra mạng lưới thoát nước chung. Các khu/cụm công nghiệp trong huyện dự kiến quy hoạch hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn, có các trạm xử lý nước thải.
Đối với huyện Yên Dũng: Giai đoạn đến năm 2030: Tại lưu vực thị trấn Nham Biền: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 6.500 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Tân An: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 2.000 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Đức Giang: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 3.000 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Tiền Phong: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 1.500 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Nội Hoàng: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 2.000 m3/ngđ;
Tại huyện Tân Yên: Giai đoạn đến năm 2030: Tại lưu vực thị trấn Cao Thượng: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 2.500 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Nhã Nam: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 1.500 m3/ngđ; Tại lưu vực đô thị Bỉ: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 3.600 m3/ngđ; Tại lưu vực đô thị Việt Lập: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 2.000 m3/ngđ;
Còn tại huyện Lạng Giang: Giai đoạn đến năm 2030: Tại lưu vực thị trấn Vôi: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 3.000 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Kép: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 4.500 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Tân Hưng: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 2.500 m3/ngđ; Tại lưu vực thị trấn Thái Đào: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 3.000 m3/ngđ. Tại lưu vực thị trấn Tân Dĩnh: Xây dựng các trạm xử lý sinh hoạt có tổng công suất 2.500 m3/ngđ...
Các địa phương đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung nghiên cứu sử dụng công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường.
Để tăng cường chất lượng, hiệu quả trong công tác phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp:
Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Nghiên cứu đề xuất giải pháp thoát nước và xử lý nước thải đô thị ngay từ khi triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị; nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể để quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải đô thị đảm bảo đồng bộ phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đồng thời phải bám sát theo định hướng của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022.
Xác định việc ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị phải là nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm, định hướng trong các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương được triển khai toàn diện, đồng bộ, gắn với việc hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cho các đô thị hiện hữu và đô thị dự kiến phát triển mới.
Khi triển khai lập các chương trình, kế hoạch, danh mục đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị tập trung cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư, lộ trình, thời gian đầu tư cụ thể đảm bảo tính hiệu quả, kết nối, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan; tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách Trung ương, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị.
Thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị để xử lý các điểm ngập úng cục bộ hoặc giảm thời gian ngập úng mỗi khi có mưa lớn trong thời gian kéo dài. Trước mắt, ưu tiên tập trung đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung và hệ thống thu gom nước thải cho các đô thị loại IV trở lên, đối với các đô thị còn lại phải xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thành xong trước năm 2030; việc đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung nghiên cứu sử dụng công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.
Đối với các dự án khu đô thị đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng cần ưu tiên bố trí nguồn lực để bàn giao tiếp nhận quản lý, vận hành công nghệ của các trạm xử lý nước thải đảm bảo hoạt động hiệu quả. Xây dựng, cập nhật, lưu trữ nguồn dữ liệu, số liệu hiện trạng của hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; thường xuyên cập nhật các số liệu khi phát sinh đầu tư, cải tạo, sửa chữa mới; ưu tiên số hoá việc quản lý số liệu của hệ thống thoát nước, xử lý nước thải bằng các phần mềm chuyên ngành; báo cáo về tình hình quản lý, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn gửi Sở Xây dựng tổng hợp để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/11 hằng năm.
Sở Xây dựng: Phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện trong việc lập, thẩm định các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó tập trung ưu tiên việc nghiên cứu, đề xuất phương án thoát nước, xử lý nước thải tại các dự án, khu đô thị đảm bảo tính khả thi và đồng bộ với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác; tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình quản lý, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn tỉnh.../.
Hải Long
Bình luận