Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 05:10
Thứ sáu, 27/09/2024 16:09
TMO - Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn ở đô thị đạt 90%, ở xã đạt tỷ lệ 70% vào năm 2025.
Trước sự gia tăng của khối lượng nguồn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn, thời gian tới tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đồng thời từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Tỉnh Bắc Giang tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng; giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện ngay sau khi kế hoạch được ban hành; triển khai, thực hiện đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương, đảm bảo việc áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh chậm nhất là ngày 31/12.
Việc phân loại CTRSH cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh; nguồn lực tài chính của địa phương.
Tỉnh Bắc Giang xác định việc phân loại rác thải tại nguồn là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chất lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt; đồng thời cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia vào công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2024, UBND cấp huyện và UBND cấp xã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn (sổ tay, clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã.
Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai phân loại CTRSH nhằm nâng cao hiệu quả xử lý rác thải trên địa bàn.
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở đô thị đạt 90%, ở xã đạt tỷ lệ 70%. Tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý theo quy định tại đô thị đạt trên 98%; tại nông thôn đạt trên 90%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt trên 98%.
Tỉnh Bắc Giang phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm. Nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa thải, kim loại thải, thuỷ tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện tử thải bỏ. Nhóm chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau, củ, quả, xác động vật). Nhóm CTRSH khác, bao gồm: Chất thải cồng kềnh; Chất thải nguy hại; Chất thải khác còn lại. Việc nhận diện chủng loại và kỹ thuật phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH.
Để phân loại CTRSH tại nguồn đạt hiệu quả, tỉnh Bắc Giang giao UBND cấp huyện, UBND cấp xã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát của cấp mình, triển khai việc theo dõi, giám sát công tác phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn và công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại đến các điểm tập kết/trạm trung chuyển. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý/tái chế CTRSH trên địa bàn tỉnh.
Thống kê của Sở TN&MT tỉnh cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Giang là 971 tấn/ngày. Con số này dự kiến sẽ lần lượt tăng 10% vào 2025 và tăng 40% vào 2030. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17 ngày 27/02/2020 huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải ra môi trường; theo đó một loạt các cơ chế, chính sách đã được ban hành.
Đến tháng 4/2024, tỉnh Bắc Giang đã thành lập và duy trì hoạt động 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho 100% xã, phường, thị trấn; bố trí 2.200 điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn và 12 ga ép rác tại thành phố Bắc Giang trước khi vận chuyển đến khu xử lý tập trung; các huyện bố trí 26 xe ép rác chuyên dụng, 76 xe ô tô và nhiều xe thô sơ khác…; Tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 94,5%, tương đương 918 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, 5/10 huyện bố trí thu gom, xử lý rác thải tập trung cấp huyện, với tổng công suất 350 tấn/ngày, có 60 xã có khu thu gom, xử lý rác thải tập trung quy mô xã, cụm xã; toàn tỉnh đang hoạt động 77 lò đốt rác công nghệ. Tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 94,4%, tương đương 867 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ rác thải được xử lý hợp vệ sinh trên toàn tỉnh đạt 83,5%. Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai các bước xây dựng 02 Nhà máy đốt rác phát điện quy mô liên huyện, công suất 750 tấn/ngày tại thành phố Bắc Giang và 650 tấn/ngày tại huyện Hiệp Hòa.
Minh Hương
Bình luận