Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ hai, 29/08/2022 14:08
TMO - Tận dụng những tiềm năng, lợi thế vốn có, những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khơi thông nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tạo ra bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Với bờ biển dài hơn 56km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, tốc độ gió bình quân gần 7m/s, thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Bạc Liêu rất giàu tiềm năng trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời... Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, những năm qua, Bạc Liêu chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.
Vừa qua, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, xu hướng thời gian tới là năng lượng sạch, do đó tỉnh Bạc Liêu vẫn phải xem năng lượng tái tạo mà nhất là điện gió là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Mặc dù hiện nay, việc điều tiết công suất các nhà máy điện gió có lúc vẫn bị cắt thời gian phát điện lên lưới do quá tải đường truyền tải, tuy nhiên thời gian tới, giải pháp sử dụng tại chỗ vẫn là tốt nhất, khi mà tỉnh đã kêu gọi được dự án điện xanh hydrogen.
Điện gió được đánh giá là ưu thế vượt trội tại tỉnh Bạc Liêu
Đối với lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 Nhà máy điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền với tổng công suất là 469,2 MW (đứng thứ 3 trong cả nước) tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh, giúp giảm phát thải khoảng 1.691.600 tấn CO2, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh hàng năm khoảng 450 tỷ đồng,...
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện các dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (142 MW), Nhà máy điện gió Nhật Bản Bạc Liêu - giai đoạn 1 (Đông Hải 2), đặc biệt tỉnh đã thu hút Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổng hợp trình Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án nguồn điện với tổng công suất là 9.340,6MW (bao gồm điện gió: 7.810,6MW, điện mặt trời:1.500MW, điện sinh khối: 30MW) và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt.
Đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Đó cũng chính là mục tiêu hướng đến của tỉnh trong thời gian tới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Cùng với điện gió, Bạc Liêu hướng phát triển đến điện mặt trời, điện sinh khối nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh sớm được đưa vào quy hoạch giai đoạn đến 2025 tổng cộng 2.000 MW điện gió (gồm 500 MW điện gió trên bờ và 1.500 MW điện gió ngoài khơi), để phát huy đúng mức tiềm năng gió của tỉnh theo quy hoạch của Bộ Công Thương.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho đầu tư đường dây và trạm biến áp 500kV của Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW; Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW.
Xem xét tháo gỡ điều kiện giải toả công suất cho các Nhà máy điện gió khu vực Bạc Liêu theo Văn bản 4589/BCT-ĐL ngày 24/6/2020 của Bộ Công Thương nhằm phát huy hiệu quả phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo trong điều kiện lưới điện truyền tải khu vực hiện tại đang đáp ứng. trường hợp khó khăn thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp tự bỏ kinh phí đầu tư đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hà Thu
Bình luận