Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ bảy, 24/08/2024 06:08
TMO - Chính phủ Australia công bố khoản ngân sách 130 triệu USD để ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm cũng như giải quyết các vấn đề bất cập khác đang ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước tại rạn san hô Great Barrier.
Bộ trưởng Môi trường Australia, bà Tanya Plibersek thông báo quyết định trên nhằm ngăn dòng chảy thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện việc quản lý các loài xâm lấn và hỗ trợ quản lý đất đai tốt hơn ở một số điểm dễ bị tổn thương nhất dọc theo rạn san hô này.
Bà Plibersek cho biết khoản ngân sách nói trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết một số vấn đề khác đang gây tổn hại hệ sinh thái dư lượng hóa chất tràn ra là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với rạn san hô Great Barrier. Chất lượng nước kém ngăn san hô phát triển trở lại, giết chết cỏ biển và chặn ánh sáng Mặt trời cần thiết để có một rạn san hô khỏe mạnh.
Các hiện tượng tẩy trắng hàng loạt liên tục diễn ra đang đe dọa hệ sinh thái của rạn san hô Great Barrier.
Rạn san hô Great Barrier trải dài 2.300km, có hệ sinh thái đa dạng tuyệt đẹp gồm hơn 600 loại san hô và 1.625 loài cá. Tuy nhiên, các hiện tượng tẩy trắng hàng loạt liên tục diễn ra đang đe dọa hệ sinh thái của rạn san hô này. Tẩy trắng san hô xảy ra khi nhiệt độ nước tăng hơn 1 độ C. Các sự kiện tẩy trắng hàng loạt dọc theo rạn san hô này xảy ra vào các năm 1998, 2002, 2016, 2017, 2020, 2022 và vẫn đang xảy ra. Điều này gây tổn hại rạn san hô và có thể khiến Australia mất đi hàng triệu USD doanh thu từ ngành du lịch.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từng cân nhắc đưa Rạn san hô Great Barrier vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. Dữ liệu mới nhất của Chính phủ Australia cho thấy hiện tượng tẩy trắng từ đầu năm đến nay đã khiến 81% rạn san hô thiệt hại ở mức độ cực kỳ cao hoặc nghiêm trọng nhất.
Minh Hưng
Bình luận