Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ năm, 15/02/2024 14:02
TMO - Tổ chức Bảo tồn Australia (ACF) cho biết, số lượng các loài được đưa vào danh sách bảo tồn quốc gia Australia trong năm 2023 tăng cao hơn bất kỳ năm nào khác kể từ khi danh sách được lập vào năm 2001.
Theo AFC, có tổng cộng 144 loài động, thực vật lần đầu tiên được thêm vào danh sách trong năm 2023. Con số trên cao hơn gấp 5 lần so với mức trung bình hàng năm và cao gấp đôi so với năm kỷ lục trước đó là năm 2009. Các nhà vận động bảo tồn của ACF đã phân tích về số lượng các loài được thêm vào danh sách bảo tồn quốc gia Australia và tổng diện tích đất tự nhiên (tính theo ha) bị phá bỏ để thực hiện các dự án đã được phê duyệt trong năm 2023.
Theo các nhà vận động bảo tồn, vấn đề không phải là việc đưa các loài vào danh sách bị đe dọa, vì thực tế các nhà khoa học đã đề cử các loài này vào danh sách từ nhiều năm trước và con số cao kỷ lục nói trên có thể là do các cơ quan thẩm quyền đang giải quyết tình trạng tồn đọng. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là những nguyên nhân dẫn đến việc phải đưa các loài này vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Australia đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong 12 tháng qua, có 10.426 ha đất tự nhiên vốn là môi trường sống của các loài đã bị phá hủy, tương đương với việc dẹp bỏ một diện tích rộng gấp 5.000 lần Sân vận động cricket ở thành phố Melbourne. Trong số đó, việc khai hoang phục vụ nông nghiệp, chủ yếu là chăn nuôi bò thịt, chiếm phần lớn hoạt động khai hoang không được kiểm soát và không được phê duyệt.
Các loài động vật có vú tại Australia có nguy cơ tuyển chủng cao, trong đó hai loài động vật có vú là Koala (Gấu túi) và Mèo túi phía Bắc nằm trong số những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng hủy hoại môi trường sống. ACF đang kêu gọi Bộ trưởng Môi trường và Nước đảm bảo rằng việc cải cách Luật Môi trường quốc gia sẽ giải quyết được vấn đề hủy hoại môi trường sống, thực trạng đang ngày càng đẩy các loài đặc hữu và độc đáo của Australia đến bờ vực tuyệt chủng.
Australia sẽ dành ít nhất 30% diện tích lãnh thổ để bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Kế hoạch hành động vì các loài bị đe dọa đặt ra các mục tiêu đến 5 và 10 năm tới, như đầu tư vào các dự án phục hồi hệ sinh thái, hạn chế các loài săn mồi hoang dã và đưa các loài có nguy cơ tuyệt chủng tới môi trường sống phù hợp hơn. Bên cạnh đó, 20 địa điểm với các hệ sinh thái đa dạng tại Australia, như rừng tảo bẹ khổng lồ ở bang Tasmania, rừng mưa nhiệt đới ở bang Queensland, dãy núi Alps, các đảo Kangaroo, Norfolk, Raine... cũng nằm trong kế hoạch bảo tồn. Việc tập trung bảo tồn những loài được ưu tiên cũng sẽ góp phần bảo vệ các loài khác sống trong cùng một môi trường.
Bùi Hồng
Bình luận