Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 13:11
Chủ nhật, 18/08/2024 12:08
TMO - Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ triển khai phân loại rác tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở từng cá nhân, tổ chức...
Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.220 tấn/ngày, được thu gom khoảng 931 tấn/ngày (đạt trên 76%). Từ đó, vận chuyển về 6 cụm xử lý bằng hình thức chôn lấp (khoảng 880 tấn): Khu xử lý Bình Hòa (huyện Châu Thành); kênh 10 (TP. Châu Đốc); Phú Thạnh (huyện Phú Tân); An Cư (TX. Tịnh Biên); An Tức (huyện Tri Tôn); 5 bãi rác trên địa bàn huyện Chợ Mới. Cả 6 cụm xử lý đều trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, cần thiết đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt. Lượng rác còn lại (khoảng 52,5 tấn/ngày) được thu gom, xử lý bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác huyện Thoại Sơn.
Theo Sở TN&MT, toàn tỉnh có 3 bãi rác ô nhiễm nghiêm trọng (phường Long Phú - TX. Tân Châu; thị trấn Chợ Mới - huyện Chợ Mới; thị trấn Núi Sập - huyện Thoại Sơn); 7 bãi rác đang hoạt động; 22 bãi rác đã ngưng hoạt động. Để xử lý gần 30 bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường, năm 2021, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh các dự án xử lý triệt để. Cụ thể, đóng cửa, xử lý ô nhiễm tại 25 bãi rác thải sinh hoạt; đầu tư xây dựng công trình đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường tại 2 bãi rác ở huyện Chợ Mới, Thoại Sơn (tất cả đều do Sở TN&MT làm chủ đầu tư)...
Trước sự gia tăng của các nguồn thải cùng với nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các nhà máy xử lý rác thải, tỉnh An Giang đẩy mạnh triển khai phân loại rác tại nguồn nhằm tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, đến năm 2025, tất cả các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại CTRSH tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn; 50% CTRSH được phân loại tại nguồn; 90% CTRSH đô thị và 70% CTRSH ở nông thôn được thu gom, xử lý; trên 70% CTRSH được tái chế; 10% chất thải hữu cơ được tận dụng ủ compost.
Đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định; tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn đạt từ 90%; 100% CTRSH đô thị và 80% CTRSH ở nông thôn được thu gom, xử lý; trên 85% CTRSH được tái chế; trên 30% chất thải hữu cơ được tận dụng ủ compost...
Cùng với công tác thu gom, xử lý rác thải thời gian tới An Giang triển khai phân loại rác thải tại nguồn (Ảnh minh họa).
UBND tỉnh An Giang giao Sở TN&MT xây dựng kế hoạch thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn hàng năm và hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức thực hiện; tổ chức tuyên truyền rộng rãi Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch) và hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo yêu cầu, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phối hợp trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn; định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.
Cùng với đó, UBND tỉnh An Giang còn giao UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai, cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán được giao hàng năm để thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn; chủ trì và phối hợp với Sở TN&MT tỉnh An Giang tổ chức các cuộc hội nghị tập huấn phân loại CTRSH tại nguồn và hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ quan, đơn vị;
Huy động, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn; lập hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH và yêu cầu các đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển đảm bảo thu gom riêng CTRSH sau phân loại đến các khu xử lý; theo dõi, kiểm tra, giám sát và tổ chức đánh giá định kỳ kết quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn ở địa phương và gửi về Sở TN&MT để theo dõi, tổng hợp...
Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được tổ chức theo 03 cấp: Cấp 1: Do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp xã và công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ nơi phát sinh đến điểm tập kết/trạm trung chuyển (nếu có) hoặc vận chuyển trực tiếp đến cơ sở xử lý/tái chế trong trường hợp địa phương không bố trí điểm tập kết/trạm trung chuyển chất thải sinh hoạt.
Cấp 2: Do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm tập kết/trạm trung chuyển, công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết/trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý/tái chế; đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 trên địa bàn cấp huyện. Cấp 3: Do Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định. Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 và 2.
Việc kiểm tra, giám sát của các lực lượng cấp 1, cấp 2, cấp 3 được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để đề xuất điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn; là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các trường hợp chưa đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định và là cơ sở để biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Hồng Nhung
Bình luận