Hotline: 0941068156
Thứ hai, 31/03/2025 19:03
Thứ năm, 27/03/2025 14:03
TMO - Thời gian tới, tỉnh An Giang xây dựng quy trình canh tác lúa để áp dụng cho các vùng nguyên liệu tham gia Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gạo trên thị trường...
An Giang là một trong những địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ hai của cả nước (sau tỉnh Kiên Giang), sản lượng hằng năm đạt khoảng 04 triệu tấn, xuất khẩu hằng năm đạt từ 500 - 550 ngàn tấn gạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một trong bốn ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đồng bộ về tiêu chuẩn chất lượng còn hạn chế, lượng gạo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được đóng túi có thương hiệu còn ít. Do đó, để xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang, ngoài yếu tố chương trình về giống thì chương trình canh tác cũng góp phần quyết định thành công việc xây dựng thương hiệu gạo tỉnh An Giang.
Triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” thời gian tới địa phương này sẽ xây dựng ác yêu cầu kỹ thuật để áp dụng cho các vùng nguyên liệu tham gia Đề án, thông qua quy trình kỹ thuật để sản phẩm lúa đảm bảo đạt tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu, tùy thị trường ứng dụng:
Quy trình kỹ thuật lấy tiêu chuẩn canh tác SRP 90 điểm làm điểm sàn, tham chiếu Nghị định 103/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu; Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; Duy trì, phát triển mạng lưới sản xuất giống từ nguyên chủng đến giống xác nhận gắn với doanh nghiệp sản xuất, ưu tiên các mô hình liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ.
Trên cơ sở vùng nguyên liệu của doanh nghiệp tham gia Đề án (ưu tiên các vùng sản xuất lúa 02 vụ), hàng vụ ngành Nông nghiệp phối hợp với địa phương xác định giống lúa được chọn canh tác, tiến hành triển khai tổ chức gieo trồng lúa và hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác (thông qua hội thảo đầu vụ, tập huấn khuyến nông,...) để sản phẩm lúa gạo của nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham gia Đề án đạt theo yêu cầu doanh nghiệp, phục vụ xây dựng thương hiệu gạo An Giang.
Địa phương này chuẩn hóa quy trình canh tác lúa gạo nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Trong quá trình sản xuất, tùy điều kiện thực tế (tùy cuối vụ) phối hợp doanh nghiệp mời cơ quan chuyên môn (bên thứ 3) đến vùng nguyên liệu đánh giá mức độ đạt tiêu chuẩn (theo yêu cầu) Trong quá trình sản xuất, tùy điều kiện thực tế sẽ phối hợp doanh nghiệp mời cơ quan chuyên môn đến vùng nguyên liệu đánh giá mức độ đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ theo các tiêu chuẩn của thị trường.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tham gia đầu tư, góp vốn vào HTX để cùng sản xuất - kinh doanh lúa gạo, nâng cao hiệu quả Đề án. Tạo điều kiện ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo đến đầu tư, liên kết sản xuất – tiêu thụ tại An Giang; được hưởng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện sản xuất theo quy trình canh tác tại các vùng nguyên liệu tham gia Đề án. Sau khi có kết quả của cơ quan chuyên môn đánh giá sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn, nhãn hiệu chứng nhận gạo An Giang, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh công bố chất lượng gạo để làm cơ sở cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Đề án phát triển sản phẩm.
Để Chương trình canh tác phục vụ Đề án triển khai nhanh chóng và hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan. Trong đó, quan tâm hỗ trợ đầu tư, tập huấn quy trình canh tác cho nông dân, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia phát triển thương hiệu gạo An Giang. Tổ chức đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy trình canh tác đã triển khai tại các vùng nguyên liệu tham gia Đề án...
Sở Công Thương phối hợp tham gia đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy trình canh tác đã triển khai tại các vùng nguyên liệu tham gia Đề án. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường mời gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang; hỗ trợ áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo và hoạt động công bố chất lượng lúa gạo mang thương hiệu An Giang.
Trong năm 2024, tỉnh xuất khẩu 587.000 tấn gạo, với giá trị tương đương 340 triệu USD. Để đảm bảo tăng trưởng chung của tỉnh, ngành nông nghiệp An Giang đã xây dựng kế hoạch sản xuất lúa năm 2025 với gần 622.000ha. Riêng vụ Đông Xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh xuống giống gần 228.000ha (tăng 592ha so cùng kỳ) tập trung vào các giống lúa: Đài Thơm 8, OM18, M5451, IR50404 và các loại nếp. Đến nay, lúa đông xuân đã thu hoạch được 14.908ha, năng suất trung bình 7,17 tấn/ha, ước tổng sản lượng cả vụ đạt hơn 1,668 triệu tấn lúa.
Cùng với đó, tỉnh đã tăng dần diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng các quy trình tiên tiến trong sản xuất lúa gạo, nỗ lực chuyển đổi tư duy người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Về liên kết tiêu thụ lúa gạo, tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, chiếm khoảng 16% diện tích sản xuất lúa. Qua đó, giúp cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của An Giang đạt kết quả tích cực./.
Minh Thư
Bình luận