Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Chủ nhật, 16/04/2023 21:04
TMO - Dữ liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc cho thấy, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số 1.425.782.975 người tính đến ngày 14/4/2023.
Trung Quốc giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950 khi Liên Hợp Quốc bắt đầu công bố dữ liệu dân số. Tuy nhiên, trang phân tích dữ liệu MarketWatch (trụ sở chính tại Mỹ) đã phân tích dữ liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc cho thấy dân số Ấn Độ trong ngày 14/4 đã đạt 1.425.782.975 người, cao hơn hàng chục nghìn người so với con số 1.425.748.032 được báo cáo từ Trung Quốc.
Liên Hợp Quốc đã thu thập dữ liệu về dân số của hơn 200 quốc gia và khu vực có ít nhất 1.000 người trong năm trước. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, tùy thuộc vào cách một quốc gia đánh giá dân số của chính mình. Dự báo dân số của Liên Hợp Quốc sau đó được thực hiện cho ngày 1/1 và 1/7 hằng năm. Liên Hợp Quốc đã dự đoán dân số của Ấn Độ vào ngày 1/1/2023 là 1.422.026.528 người và sẽ là 1.428.627.663 người vào ngày 1/7/2023, tăng hơn 6,6 triệu người.
Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1.425.782.975 người.
Vào ngày 01/01/2023, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 với dân số 1.425.849.288 người, con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1.425.671.352 người vào tháng 7 do Trung Quốc mất đi tổng cộng gần 178.000 người. Market Watch đã xem xét tốc độ thay đổi mỗi ngày để xác định thời điểm chính xác mà Ấn Độ có dân số lớn hơn Trung Quốc. Đó là cách tiếp cận thô sơ nhưng được chấp nhận rộng rãi, theo đó, Ấn Độ tăng thêm trung bình khoảng 36.470 người mỗi ngày, trong khi dân số Trung Quốc giảm, mặc dù chậm, khoảng 983 người mỗi ngày. Phân tích dữ liệu theo giờ của ngày 14/4 khẳng định thời điểm chênh lệch dân số giữa hai nước xảy ra vào đầu giờ trong ngày.
Liên Hợp Quốc cho biết với đà gia tăng dân số như hiện nay, Ấn Độ có thể trở thành ngôi nhà của 1,7 tỷ người vào năm 2064. Sự gia tăng dân số này sẽ mang đến những thuận lợi nhất định về lực lượng lao động cho quốc gia Nam Á. Song, bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo lương thực, chỗ ở cũng như điều kiện y tế và giáo dục cho gần 1,5 tỷ người. Theo ước tính, khoảng 800 triệu người dân nước này đang nhận trợ cấp từ chính phủ.
Mạnh Hải
Bình luận