Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ tư, 26/10/2022 08:10
TMO - Không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói pháo, nguyên nhân là do người dân ăn mừng lễ hội ánh sáng Diwali thường niên.
Theo số liệu từ công ty công nghệ chất lượng không khí quốc tế IQAir (Thụy Sĩ), chỉ số bụi mịn PM 2.5 độc hại trong không khí tại New Delhi đã tăng lên mức 350. Chỉ số này cao gấp 3 lần so với một ngày trước đó, thậm chí cao hơn 23 lần so với ngưỡng khuyến cáo an toàn tối đa hàng ngày do WHO đưa ra. Đến giữa buổi sáng 25/10, chỉ số bụi mịn PM 2.5 đã giảm xuống còn 145, nhưng vẫn cao hơn gần 10 lần so với ngưỡng giới hạn của WHO.
Khói mù bao phủ không gian tại New Delhi trong sáng 25/10. Ảnh: AFP
Trước đó, Thủ đô New Delhi đã áp đặt một lệnh cấm bán và sử dụng pháo nổ vào tháng 9 vừa qua nhằm hạn chế ô nhiễm, đồng thời tuyên bố những người vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tù lên tới 6 tháng. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt của người dân vẫn là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy các giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí.
Lễ hội ánh sáng Diwali là dịp lễ truyền thống hàng năm của người Hindu, người dân đốt pháo ăn mừng lễ hội. Lễ hội Diwali năm nay diễn ra trùng với thời điểm nông dân tại các bang lân cận đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, do đó tình trạng ô nhiễm không khí càng trầm trọng hơn. Một báo cáo của tạp chí The Lancet (Anh) vào năm 2020 cho biết, gần 17.500 người tại New Delhi đã tử vong trong năm 2019 do ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo Chất lượng không khí thế giới do IQAir công bố, trong năm 2021, New Delhi trở thành thủ đô ô nhiễm nhất thế giới năm thứ tư liên tiếp. Không khí tại thủ đô của Ấn Độ bị xếp hạng ô nhiễm nhất với mức độ PM 2.5 cao. New Delhi là nơi sinh sống của khoảng 32 triệu người, ghi nhận mức PM 2.5 trung bình hàng năm là 96,4 microgam/mét khối. Mức độ này gấp gần 20 lần giới hạn an toàn theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Báo cáo IQAir cho biết: “Không có thành phố nào ở Ấn Độ đáp ứng hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO là 5 microgam/mét khối. Vào năm 2021, 48% các thành phố tại Ấn Độ vượt quá mức 50 microgam/mét khối, tương đương gấp hơn 10 lần so với khuyến cáo của WHO”.
Minh Tâm
Bình luận