Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 30/10/2024 06:10
TMO - Tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng bởi sương, khói mù dày đặc bao phủ. Đặc biệt, chất lượng không khí tại thành phố này thường xuyên xuống cấp do lượng khí thải gia tăng.
Theo xếp hạng của IQAir, New Delhi hiện là thành phố ô nhiễm đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Lahore của Pakistan. Người dân tại nhiều thành phố ở Ấn Độ, bao gồm New Delhi, phải thức dậy trong bầu không khí mù sương khi chỉ số chất lượng không khí quốc gia liên tục ở mức ‘rất kém’ đến ‘nghiêm trọng’.
Dữ liệu thời gian thực ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tại New Delhi đã ở mức rất thấp ngay từ sáng sớm. Nhiều công trình biểu tượng, nhà cửa, đường phố của thủ đô Ấn Độ đều chìm trong lớp sương mù dày đặc, khiến tầm nhìn hạn chế và các phương tiện buộc phải bật đèn khi tham gia giao thông.
Đáng chú ý, trong tuần qua, thủ đô New Delhi liên tục nằm trong nhóm những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Vào thời điểm trước mùa đông, chất lượng không khí tại thành phố này thường xuống cấp đáng kể do lượng khí thải gia tăng từ hoạt động đốt rơm rạ, công nghiệp và giao thông, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Theo chia sẻ của một số người dân sống tại New Delhi, Ấn Độ, việc đạp xe đạp của họ hầu như mỗi ngày. Nhưng khi ô nhiễm không khí gia tăng, những người đạp xe đạp gặp rất nhiều vấn đề như bệnh hô hấp, nóng rát ở mắt và dễ bị mệt mỏi. Mặc dù họ đã bịt khăn để chắn bớt khói bụi nhưng điều đó hầu như không giúp ích được gì. Khói bụi đã bao trùm khắp thành phố và khiến người dân cảm thấy ngạt thở.
Tiến sĩ Randeep Guleria - chuyên gia về các bệnh liên quan đến phổi và hô hấp - nhấn mạnh: "Không chỉ tim và phổi, ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận của cơ thể vì các hạt bụi mịn siêu nhỏ và các hóa chất khác trong không khí khi xâm nhập cơ thể sẽ đi vào nhiều cơ quan khác nhau. Do đó chúng có thể dẫn đến các bệnh có tác động lâu dài, như chứng đãng trí, các vấn đề về thần kinh, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa. Tất cả đều có liên quan đến ô nhiễm không khí".
Người dân di chuyển trên cầu Signature trong điều kiện sương mù dày đặc ở thủ đô New Delhi. (Ảnh: AFP).
Việc đốt rơm rạ ở các vùng nông thôn đã góp phần nghiêm trọng về tình trạng ô nhiễm không khí. Tuần trước, ít nhất 16 nông dân tại Ấn Độ đã bị giới chức bắt giữ vì hành vi đốt rơm rạ trái phép, trong khi khoảng 300 người khác đã bị phạt tiền với các vi phạm tương tự. Trước tình hình này, chính quyền đã kích hoạt kế hoạch ứng phó ô nhiễm theo cấp độ, bao gồm các biện pháp như sử dụng xe quét đường và tưới nước hàng ngày trên các tuyến phố, kiểm soát bụi tại các công trường xây dựng và khu vực phá dỡ.
Đồng thời, người dân được yêu cầu không đốt rác ngoài trời và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Ô nhiễm không khí đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Ấn Độ, khi mùa đông mang theo không khí lạnh làm tích tụ các khí thải từ xe cộ, khói bụi và các hạt lơ lửng trong không trung, khiến nhiều người dân cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường, giữa tháng 10, chính quyền New Delhi cũng đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc sản xuất, lưu trữ, buôn bán và sử dụng pháo cho đến ngày 1/1/2025. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng cả trong thời gian lễ hội ánh sáng Diwali, diễn ra vào đầu tháng 11 tới, khi việc đốt pháo trong dịp lễ này thường khiến thành phố và các khu vực ngoại ô chìm trong khói dày đặc, đẩy mức ô nhiễm không khí lên đến mức báo động trong những năm gần đây.
Các thành phố đầy khói bụi của Ấn Độ, gồm cả New Delhi, nằm trong danh sách những nơi có mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe người dân.
Tùng Lâm
Bình luận