Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 07:11
Chủ nhật, 25/08/2024 12:08
TMO - Trung tuần tháng 8/2024, chính quyền xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre hồ hởi đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới sau 13 năm bắt tay xây dựng. Một chặng đường dài đầy khó khăn gian khổ cuối cùng cũng đến đích, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương.
Bộ mặt nông thôn mới nhiều khởi sắc
Buổi lễ đón nhận danh hiệu xã An Bình Tây đạt chuẩn nông thôn mới có sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Giám đốc Sở NN&PTNT ông Đoàn Văn Đảnh. Đây là niềm khích lệ lớn lao cho chính quyền và người dân xã An Bình Tây về những thành quả họ đã làm được suốt 13 năm qua.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre trao quyết định công nhận xã Nông thôn mới cho lãnh đạo xã An Bình Tây.
Các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới được trao bằng khen.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã An Bình Tây Phạm Hồng Hải khẳng định: “Có được kết quả hôm nay là nhờ sự nỗ lực phấn đấu đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp, với tinh thần “Bứt phá về đích”, cùng với sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo và hỗ trợ của các ban, ngành từ tỉnh đến huyện”.
Xã An Bình Tây thuộc huyện Ba Tri, nằm cách trung tâm thị trấn Ba Tri 1km về phía Tây Bắc. Xã có diện tích tự nhiên khoảng 1.571ha với 6 ấp 3.290 hộ, 10.851 nhân khẩu. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2023 là 63,17 triệu đồng/người/năm.
Năm 2011, xã An Bình Tây bắt đầu bước vào xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đã thực hiện trong xây dựng NTM là 153,604 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh 74,94 tỷ đồng, chiếm 48,78%; ngân sách cấp huyện 10,1 tỷ đồng, chiếm 6,57%; ngân sách xã 21,39 tỷ đồng, chiếm 13,92%…Trong từng năm, Đảng bộ và chính quyền xã đều có nghị quyết, kế hoạch tập trung phát triển kinh tế – xã hội nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,88% năm 2022 xuống chỉ còn 3,94% (tính đến tháng 7-2024). Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70,8%, đạt so với quy định; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 25,01%, đạt so với quy định.
Dựa vào điều kiện sản xuất tại địa phương về đất đai, thổ nhưỡng, An Bình Tây đã có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế sáng tạo, bền vững và mang lại thu nhập cao như: Mô hình nuôi bò sữa, mô hình trồng rau mầm, mô hình nuôi gà thịt…
Công tác giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục – thể thao được các ngành, các cấp quan tâm, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện tại, tất cả các ấp (6/6 ấp) đã có hạ tầng viễn thông, internet đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy cập Internet, với mạng cáp quang đến 100% ấp của xã và 12 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất (BTS) để cung cấp dịch vụ viễn thông, internet di động phủ kín địa bàn toàn xã.
Chính quyền đồng hành cùng nhân dân
Niềm vui của những người con Ba Tri về dự lễ công nhận xã nông thôn mới tại quê nhà.
Xã An Bình Tây gần như thuần nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm đến 80% (1.257/1553 ha). Người dân chủ yếu làm nông, song từ lâu đã biết ứng dụng KHCN vào trồng trọt, chăn nuôi với nhiều mô hình rất sáng tạo như: Nuôi bò sữa theo hình thức hợp tác (HTX Bò sữa Ba Tri, 3 tổ hợp tác chăn nuôi bò)
Địa phương đã triển khai thực hiện mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa ST24, ST25, OM18 theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ bay cơ giới hóa khâu gieo hạt và bón phân. Mô hình được Chi cục Trồng trọt và BVTV xác nhận mã số vùng trồng số VN-83-836-29149-16-23 với quy mô 55 ha, gồm 130 hộ trên địa bàn ấp An Phú, An Lợi do HTX Nông nghiệp An Bình Tây thực hiện.
Về môi trường, An Bình Tây có có 35 cơ sở đã có thực hiện hồ sơ đăng ký môi trường và 2 cơ sở là Phòng khám Đa Khoa Hoà Bình, Nha khoa SG Tâm Đức đã ký hợp đồng với Trung tâm quan trắc môi trường Bến Tre đang thực hiện hồ sơ môi trường. Hàng tháng, xã tổ chức từ 01 đến 02 ngày Chủ nhật NTM vào chủ nhật tuần giữa và cuối tháng. Xã hiện có 606 hộ đăng ký thu gom rác thải với khoảng 62 tấn rác thải/ tháng và 2.684 hộ còn lại thì thực hiện phân loại rác thải tại nguồn rồi xử lý bằng cách chôn, đốt trong đất nhà với khoảng 5.368kg/ngày…
Toàn xã có 01 trạm y tế và 03 phòng khám dịch vụ y tế với lượng chất thải y tế phát sinh trung bình 35kg/ngày được thu gom riêng biệt theo quy định và có hợp đồng với công ty với Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri để tiêu hủy
Chủ tịch UBND xã An Bình Tây Phạm Hồng Hải khẳng định: “Có được kết quả hôm nay là nhờ sự nỗ lực phấn đấu đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp, với tinh thần “Bứt phá về đích”, cùng với sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo và hỗ trợ của các ngành từ tỉnh đến huyện. Để giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM trong thời gian tới thì các ngành, đoàn thể từ xã đến ấp và toàn thể nhân dân trong xã tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, nhất là vai trò chủ thể của nhân dân tích cực thực hiện nâng cao tiêu chí để phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, là cùng nhau thực hiện tốt cao điểm thi đua Đồng Khởi mới”.
Hùng Sơn – Phan Lâm
Bình luận