Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ ba, 04/01/2022 16:01
TMO - Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng diện tích bề mặt Trái đất, nhưng rừng mưa lại chính là nơi nơi sinh sống của một nửa số loài động thực vật trên thế giới.
Theo dữ liệu từ Đài quan sát Trái đất của NASA, rừng Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nó trải dài từ lãnh thổ Brazil (chiếm hơn 60% tổng diện tích) sang các nước Nam Mỹ. Với diện tích 5,5 triệu km2, theo các chuyên gia, rừng nhiệt đới Amazon còn được gọi là "bể chứa" carbon của Trái đất khi hấp thụ nhiều CO2 hơn lượng thải ra. Theo ước tính, nó hấp thu khoảng 90 - 140 tỷ tấn CO2. Nhờ vậy, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới giúp kiểm soát đáng kể hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Khu vực rừng Amazon tại Brazil. Ảnh AFP
Thảm thực vật ở rừng Amazon vô cùng phong phú và đa dạng. Theo các chuyên gia, 1/4 số loài trên Trái đất sinh trưởng trong rừng Amazon (bao gồm khoảng 30.000 loài thực vật). Khoảng 80% các loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng ngày nay có nguồn gốc từ rừng Amazon. Trong số này có hơn 3.000 loại trái cây như cam, chanh, bơ, dừa, bưởi, xoài, dứa...
Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), rừng Congo ở Trung Phi là rừng mưa lớn thứ hai trên thế giới, trải dài hơn 2 triệu km2.
Rừng mưa Congo ở Trung Phi. Ảnh Greenpeace Unearthed
Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại trên Trái Đất, nổi tiếng với thế giới tự nhiên hoang dã đầy màu sắc. Trong số những loài động vật sinh sống tại rừng mưa này được biết đến nhiều nhất là khỉ đột núi và khỉ đột vùng đất. Ngoài ra, một số loài như bonobos (Pan paniscus) và okapi (Okapia johnstoni), không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất.
Khu rừng mưa lớn thứ ba trên thế giới nằm trên đảo New Guinea, được chia thành hai phần: Nửa phía đông là một phần của Papua New Guinea và nửa phía tây là một phần của Indonesia. Hòn đảo này có diện tích khoảng 786.000km2 và là nơi sinh sống của ít nhất 5% (tương đương với 200.000) các loài động thực vật trên thế giới cùng trữ lượng khí thiên nhiên dồi dào.
Rừng mưa nhiệt đới trên đảo New Guinea. Ảnh RBG Kew
Khu rừng mưa trên đảo New Guinea có khoảng 13.500 loài thực vật, 2/3 trong số đó là loài đặc hữu, nó có sự đa dạng thực vật lớn nhất so với bất kỳ nơi nào trên thế giới - nhiều hơn 19% so với Madagascar, nơi trước đó được cho là phong phú nhất.
Theo sau là khu rừng Sundaland với diện tích khoảng 510.000km2. Rừng bao phủ bán đảo Mã Lai trên lục địa Đông Nam Á và các đảo Sumatra, Java, Borneo gần đó. Nó trải dài trên một số quốc gia: Indonesia, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Singapore.
Khu vực bảo tồn rừng mưa nhiệt đới trên đồi Penang- một bộ phận của rừng mưa nhiệt đới Sundaland
Một số động vật được tìm thấy ở Sundaland bao gồm khỉ Proboscis, rồng Komodo, cá rồng châu Á, đại bàng diều hâu Java, chim sáo đá ở Bali và voọc đuôi lợn. Mặc dù 17.000 hòn đảo của Sundaland chiếm khoảng 1% đất đai của thế giới, khối đất này chiếm khoảng 10% số loài hoa trên Trái đất. Khoảng 60% trong số 25.000 thực vật có mạch ở Sunda là loài đặc hữu. Những hòn đảo này có hơn 2.000 loài phong lan và là nơi lưu giữ Rafflesia và Titan Arum, là loài hoa lớn nhất trên Trái đất.
Nằm trong top 5 rừng mưa lớn nhất thế giới là những cánh rừng mưa ở lưu vực sông Mê Kông. Theo dữ liệu của Global Forest Watch, Myanmar là quốc gia có nhiều diện tích rừng nhất ở khu vực lưu vực sông Mekong, với khoảng 134.000km2 rừng mưa nguyên sinh nằm trong biên giới.
Vườn quốc gia Alaungdaw Kathapa (Myanmar) với hệ sinh thái rừng mưa đa dạng
Những cánh rừng rộng lớn trong lưu vực sông Mê Công là môi trường sinh sống cho hàng ngàn loài động thực vật. Các hệ sinh thái rừng ở lưu vực này rất phong phú với các khu rừng xanh, rừng trên núi, rừng cây rụng lá, cây bụi, cây lấy gỗ và rừng đước.
Các khu rừng nhiệt đới xung quanh sông cũng là quê hương của nhiều loài động vật như tắc kè đuôi vàng (Cnemaspis psychedelica) và hổ (Panthera tigris).
Hoài Dương
Bình luận