Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ bảy, 24/02/2024 12:02
TMO - Tỉnh Yên Bái sẽ đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để sớm đưa vào khai thác vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, năm 2023, mỗi ngày trên địa bàn phát sinh khoảng 487 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), tương đương khoảng 177.755 tấn/năm. Khối lượng thu gom, vận chuyển khoảng 328 tấn/ngày, tương đương khoảng 119.720 tấn/năm và khối lượng xử lý khoảng 298 tấn/ngày, tương đương khoảng 108.770 tấn/năm, đạt tỷ lệ 90,8% so với tổng lượng thu gom, xử lý.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có 25 cơ sở xử lý CTRSH, trong đó có 22 cơ sở hoạt động. Trong số 22 cơ sở hoạt động, có 19 bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh; có 1 nhà máy xử lý rác thải - Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái; có 2 cơ sở đốt CTRSH không thu hồi năng lượng, nhiệt là lò đốt CTRSH xã Đông Cuông, huyện Văn Yên và lò đốt CTRSH của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.
Các địa phương triển khai hiệu quả công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt hạn chế phát sinh tình trạng ô nhiễm.
Thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt với tổng kinh phí trên 272 tỷ đồng, trong đó có 7 lò từ nguồn ngân sách Nhà nước, 6 lò từ nguồn xã hội hóa.
Theo Đề án, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt được phân đều tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 93,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đạt trên 51,2%. Tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp 15 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Đến nay, hai bãi chôn lấp rác thải đã đóng, dừng tiếp nhận rác; 13 bãi rác còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo và vẫn đang sử dụng.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành được mục tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, phương thức đầu tư, quản lý vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương còn nhiều bất cập, lúng túng. Một số dự án phải điều chỉnh phương thức đầu tư; huy động nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa phổ biến. Tình trạng vứt rác bừa bãi còn xuất hiện ở nhiều nơi; một lượng lớn chất thải rắn chưa được thu gom, xử lý theo quy định...
Địa phương này đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các khu xử lý chất thải trên địa bàn.
Để hoàn thành mục tiêu của Đề án, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng và đưa vào khai thác vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn, bảo đảm tiến độ. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; xóa bỏ toàn bộ các điểm tập kết, tồn lưu chất thải rắn sinh hoạt tự phát, bảo đảm chấm dứt tình trạng xả rác không đúng quy định; nâng cấp, cải tạo hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát trên địa bàn. Tỉnh tập trung nhân rộng mô hình tổ, đội tự quản về vệ sinh môi trường ở các thôn, bản, tổ dân phố; vận động các gia đình, dòng họ ký cam kết về việc thực hiện nghiêm các quy định thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tự phát...
Để công tác quản lý CTRSH trên địa bàn ngày càng thực hiện hiệu quả, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH; danh mục công nghệ xử lý CTRSH đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với điều kiện Việt Nam, làm cơ sở cho các địa phương lựa chọn. Đồng thời, Bộ cần ban hành quy định việc xác định khoảng cách an toàn đến khu dân cư căn cứ vào tính chất của mùi khó chịu.
Bên cạnh đó, khi Bộ TN&MT ban hành quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH cũng như hướng dẫn thống nhất về các chỉ tiêu đánh giá tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn, tỷ lệ xử lý CTRSH giữa các thông tư, quyết định, văn bản hướng dẫn của Bộ sẽ là cơ sở để Yên Bái tiếp tục thực hiện ngày càng hiệu quả công tác quản lý CTRSH trên địa bàn.
Trần Tuấn
Bình luận