Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 04/07/2024 13:07
TMO - Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) chú trọng triển khai nhiệm vụ phát triển cây xanh, mở rộng không gian xanh đô thị.
Với mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Yên Bái đẩy mạnh phát triển hệ thống cây xanh tạo không gian, cảnh quan đô thị. Thời gian qua, thành phố Yên Bái đã thực hiện "Đề án quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Yên Bái đến năm 2025” và triển khai thực hiện Quyết định số 524 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên toàn địa bàn. Thành phố giao UBND các xã, phường mỗi năm trồng 10.000 cây xanh đô thị.
Thông tin từ phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, UBND thành phố đã chỉ đạo phòng Quản lý đô thị hướng dẫn và phối hợp với UBND các xã, phường rà soát thực tế, xây dựng kế hoạch trồng mới cây xanh phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Đồng thời phối hợp với phòng Văn hóa -Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa trồng cây xanh tại hành lang đường giao thông nông thôn, khuôn viên trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, bãi đất trống…
Thành phố Yên Bái đẩy mạnh phát triển hệ thống cây xanh tạo không gian, cảnh quan đô thị.
Năm 2023 công tác bảo vệ và phát triển rừng được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định. Trong năm thành phố đã trồng mới được trên 11 nghìn cây xanh đô thị, 212.500 cây xanh phân tán và trồng 330 ha rừng tập trung; trồng cây gỗ lớn 43,3 ha. Thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án trồng cây đa mục đích, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái, giai đoạn 2021-2025; đến nay đã trồng được 11,1 ha rừng đa mục đích. Những kết quả đó góp phần tạo môi trường trong lành và cảnh quan đô thị xanh cho thành phố và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Đối với việc quy hoạch, phát triển cây xanh trên các tuyến đường chính, thành phố đã chỉ đạo trồng 400 cây xanh các loại như: cây bàng Đài Loan, vàng anh, bằng lăng có đường kính gốc từ 10 - 16cm, cao hơn 4m trên 7 tuyến đường với tổng chiều dài 14,4km tại các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Lê Hồng Phong, đường Nguyễn Phúc... Thành phố cũng đang triển khai Dự án trồng và thay thế cây xanh trên địa bàn với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Trong đó, trồng mới cây xanh trên 12 tuyến đường chính gồm: Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Đinh Tiên Hoàng, Yên Ninh, Thành Công, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tất Thành; đường dạo bờ hồ Hào Gia.
Cùng với trồng cây xanh trên đường, khu vực công cộng, thời gian qua, thành phố đã có nhiều sáng tạo trong việc tạo không gian xanh tại cơ quan, đơn vị, trường học; khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ quản lý cây xanh đô thị; phát động nhân dân hưởng ứng và triển khai có hiệu quả "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Năm 2024, thành phố Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu trồng 10.000 cây xanh đô thị, 195.000 cây phân tán và 200 ha diện tích rừng mới tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 30,5%. Đất cây xanh công cộng khu vực nội thành đạt từ 8,2 m2/người. Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện xã hội hóa trồng bổ sung cây xanh, thay thế, duy trì phát triển nhiều cây bóng mát, cây trang trí, cây dây leo, hoa leo tường trên các tuyến đường, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên nhà văn hóa, cơ quan, trường học, bệnh viện, phấn đấu không để đất trống, không bê tông hóa tràn lan.
Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ và chăm sóc, đánh số cây bóng mát trên các tuyến đường phố đô thị để lập hồ sơ quản lý theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm cây xanh đô thị, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trái phép; tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây xanh tại các hộ gia đình, xây dựng thành phố Yên Bái xanh đặc sắc "phố trong rừng, rừng trong phố”, xứng đáng là đô thị loại II, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Yên Bái theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Mô hình đổi rác thải lấy cây xanh của phường Minh Tân, TP.Yên Bái.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển cây xanh đô thị, thời gian qua thành phố Yên Bái đẩy mạnh triển khai công tác phân loại rác thải tại nguồn, qua đó góp phần triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn. Ngày 27/12/2023, UBND thành phố Yên Bái ban hành Quyết định số 5923/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án phân loại rác tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn.
Theo đó, từ ngày 20/1/2024, thành phố Yên Bái bắt đầu triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn đối với 100% tuyến đường, ngõ và nơi công cộng. Đối với các xã, thực hiện theo danh sách đăng ký của UBND xã. Để thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, mỗi gia đình phải tự trang bị 2 thùng chứa chất thải sinh hoạt với dung tích trên 20 lít/thùng. Trong đó, thùng xanh sẽ chứa chất thải hữu cơ dễ phân huỷ và thùng vàng sẽ chứa chất thải rắn vô cơ.
Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể đã xây dựng mô hình điểm "Tuyến đường thu gom, phân loại rác thải tại nguồn”; tổ chức ra quân phát động chiến dịch thu gom phân loại rác thải; xây dựng mô hình ngôi nhà xanh để thu gom rác thải tái chế; tổ chức sơn kẻ vị trí để rác thải tại các hộ gia đình trên tuyến đường chính; thành lập tổ kiểm tra kiểm tra việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các xã, phường...
Tính đến đầu tháng 6/2024, tại 15/15 xã, phường, các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đã cơ bản chấp hành việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, đưa đến nơi tập kết và thời gian đúng quy định.Tỷ lệ thực hiện phân loại rác thải trên địa bàn thành phố đạt 83% (Âu Lâu: 68%, Giới Phiên 68%, Văn Phú 68%, Tuy Lộc 70%, Tân Thịnh 70%, Minh Bảo 94%, Đồng Tâm 95, Minh Tân 90%, Nam Cường 90%, Hồng Hà 90%, Nguyễn Phúc 95%, Yên Ninh 90%, Hợp Minh 85%, Nguyễn Thái Học 95%, Yên Thịnh 80%). Tỷ lệ các hộ dân đã tiến hành phân loại rác tại nguồn đạt 95%. Chất lượng phân loại rác thải trong dân đạt 65%.
Để người dân hiểu, cùng chung tay thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn, thành phố Yên Bái đã chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến từng hộ dân như: Phát tờ rơi, tuyên truyền tại các buổi họp tổ dân phố, yêu cầu ký cam kết phân loại rác thải tại nguồn, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giám sát việc phân loại rác tại nguồn để chấm dứt việc phân loại rác không đúng quy định.../.
Hồng Thắm
Bình luận