Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ ba, 22/10/2024 14:10
TMO - Để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố phát sinh do chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một số loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: khai thác, chế biến khoáng sản (chì kẽm, quặng sắt); chế biến lâm, nông sản (sản xuất giấy đế, chế biến tinh bột sắn); sản xuất vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng); chăn nuôi gia súc quy mô trang trại (chăn nuôi lợn).
Cụ thể, Chất thải rắn: Từ hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, đặc biệt là sự cố do trượt lở bãi thải, hồ chứa bùn thải quặng đuôi từ hoạt động khai thác, chế biến quặng chì kẽm, quặng sắt... Chất thải khí: Trong quá trình hoạt động sản xuất xi măng khi hệ thống xử bụi, khí thải bị sự cố có nguy cơ gây ra sự cố bụi, khí thải không được xử lý gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh và đời sống, sinh hoạt với số lượng đông người. Chất thải lỏng: Từ hoạt động chăn nuôi lợn có quy mô công nghiệp; hoạt động sản xuất giấy đế, chế biến tinh bột sắn... khi bị vỡ các hồ, công trình xử lý nước
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất, quy mô của các cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, cụ thể như: Nhóm chế biến khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản sử dụng hóa chất: 03 cơ sở tuyền quặng chì kẽm; 09 cơ sở tuyến quặng sắt; 01 cơ sở luyện Đồng và Than cốc; 01 cơ sở chế biến đất hiếm; 01 cơ sở tuyển Graphite.
Nhóm sản xuất giấy: 08 cơ sở sản xuất giấy đế. Nhóm lọc hóa dầu: 01 chưng cất dầu FO từ cao su, săm lốp ô tô, xe máy Nhóm xử lý chất thải rắn sinh hoạt: 01 Nhà máy sản xuất phân vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt; 04 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; 21 khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Nhóm sản xuất xi măng: 02 nhà máy xi măng Nhóm sản xuất tinh bột sắn: 02 Nhà máy chế biến tinh bột sắn. Nhóm chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung: 17 cơ sở chăn nuôi gia súc (16 cơ sở chăn nuôi lợn; 01 cơ sở chăn nuôi thỏ); 02 cơ sở chăn nuôi gia cầm.
Tỉnh Yên Bái xác định rõ nguy cơ, khu vực có khả năng xảy ra sự cố chất thải để chủ động phương án sẵn sàng ứng phó (Ảnh minh họa).
Ngoài các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn có một số khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phát sinh lượng chất thải lớn có nguy cơ gây ra sự cố chất thải như: Các khu, cụm công nghiệp (KCN phía Nam, KCN Minh Quân, KCN Âu Lâu, CCN Âu Lâu; CCN Thịnh Hưng...) chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nói chung và hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung) nói riêng... Khai thác đá vật liệu xây dựng: 35 cơ sở khai thác đá vôi trắng, 24 cơ sở khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường.
Tỉnh Yên Bái chưa có lực lượng chuyên trách trong công tác ứng phó sự cố chất thải để chủ động trong việc ứng phó kịp thời, hiệu quả khi sự cố chất thải xảy ra. Để đảm bảo không bị bất ngờ trong công tác ứng phó sự cố chất thải, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (nay là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh) chủ động phối hợp với đơn vị có năng lực trong công tác ứng phó sự cố, như: Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS), phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó khi có sự cố chất thải phát sinh ngoài tầm kiểm soát của tỉnh.
Tỉnh Yên Bái đã xác định sự cố chất thải có thể xảy ra đối với các nhóm chất thải sau: Chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí, trong đó: Khả năng xảy ra sự cố đối với chất thải rắn là khi các công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại... bị hư hỏng, kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường gây sạt lở, vỡ đập chắn, đê chắn chân các bãi thải... gây trôi sạt bùn, đất đá thải ra khu vực xung quanh.
Khả năng xảy ra sự cố đối với nước thải là khi các công trình xử lý nước thải sản xuất, lưu giữ, xử lý bùn thải quặng đuôi bị hư hỏng, kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường gây sạt lở, vỡ đập chắn, đê chắn hồ lắng xử lý nước thải... gây trôi sạt bùn, nước thải ra khu vực xung quanh. Khả năng xảy ra sự cố đối với khí thải là khi các công trình xử lý khí thải không được bảo dưỡng thay thế, bị hư hỏng hoặc chủ cơ sở không vận hành... dẫn đến lượng bụi, khí thải độc hại phát tán ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cho phép.
Các sự cố chất thải nêu trên khi xảy ra đều có nguy cơ cao gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh đến môi trường sinh thái và gây ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để lại hậu quả không khắc phục được hoặc phải chi phí rất tốn kém trong việc khắc phục.
Nguy cơ sự cố chất thải rắn dự kiến xảy ra tại 3 khu vực: Khu vực 1: Khu vực lưu chứa bùn thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển chì kẽm xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty Cổ phần Yên Phú. Khu vực 2. Khu vực lưu chứa bùn thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển chì kẽm xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái của thuộc Công ty Cổ phần Kim Thành. Khu vực 3. Khu vực lưu chứa bùn thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển quặng sắt xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thuộc thuộc Công ty Phát triển số 1 TNHH một thành viên.
Nguy cơ xảy ra sự cố chất lỏng tại 3 khu vực: Khu vực 1: Công trình xử lý nước thải của Nhà máy sắn Yên Bình xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Yên Bình. Khu vực 2: Công trình xử lý nước thải của Nhà máy giấy Yên Bình xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái. Khu vực 3: Công trình xử lý nước thải của Trang trại chăn nuôi lợn khép kín công nghệ cao tại thôn An Khang, xã Đông An, huyện Văn Yên thuộc Chi nhánh Yên Bái - Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer.
Nguy cơ xảy ra sự cố chất thải khí tại 3 khu vực gồm: Khu vực 1: Nhà máy xi măng Yên Bình tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình. Khu vực 2: Nhà máy xi măng Yên Bái tổ 12, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái. Khu vực 3: Nhà máy sản xuất gạch không nung, viên nén, chế biến khoáng sản và chưng cất dầu FO tại KCN phía Nam, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái thuộc Công ty TNHH Yến Ngọc YB.
Trên cơ sở lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ của tỉnh; lực lượng, phương tiện phối hợp của tỉnh; lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp của cấp trên, UBND tỉnh Yên Bái có khả năng ứng phó và khắc phục sự cố chất thải có quy mô cấp trung bình.
Địa phương này tăng cường công tác phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố chất thải.
Vơi việc xác định nguy cơ xảy ra các sự cố trên địa bàn, tỉnh Yên Bái chủ động ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố. Kiện toàn, xây dựng lực lượng chuyên trách (nếu có), lực lượng kiêm nhiệm, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.
Tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách (nếu có), kiêm nhiệm, tổ chức hội thao, diễn tập về ứng phó sự cố chất thải dưới hình thức lồng ghép vào phương án diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hoặc tổ chức riêng. Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng của địa phương.
Tăng cường chế độ ứng trực, chủ động nắm bắt tình hình về sự cố chất thải, đặc biệt là trong mùa mưa bão; đánh giá tình huống, xác định, đề xuất phương án ứng phó sự cố chất thải kịp thời, hiệu quả. Tổ chức quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động kịp thời sự cố chất thải trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cấp, ngành và cộng đồng.
Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn; các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố chất thải có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, tài sản và môi trường trên địa bàn quản lý; Tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn các nguồn chất thải ra môi trường, cụ thể:
Đối với sự cố chất thải rắn thông thường: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để hạn chế không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn... không cho đất đá thải trôi, sạt lở ra môi trường. Đối với sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải): Dừng ngay các hoạt động phát tán chất thải, kịp thời triển khai bịt lấp thân đập, bờ ao, hồ lắng bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc các vật liệu có sẵn tại hiện trường), sử dụng hệ thống bơm di động để hút toàn bộ nước thải, bùn thải thu về các bể chứa, hồ sự cố...
Đối với sự cố chất thải khí (bụi, khí thải): Sử dụng một số công nghệ, phương pháp như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.
Tổ chức các hoạt động đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố chất thải gây ra; triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có); làm sạch nguồn nước bằng các chất oxy hóa khử như: Clo (Cl), Kali Pemanganat (KMnO4), Canxi Clorat (Ca(ClO3)2), Bicromat Kali (K2Cr2O7); Dioxit Clo (ClO2), Hypoclorit Canxi (Ca(ClO)2)... hoặc sử dụng vi sinh để xử lý nước thải (phương pháp sinh học), sử dụng các loại vi sinh vật để xử lý các chất hữu cơ độc hại. Tổ chức lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định. Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường sau khi khắc phục sự cố chất thải, tổng hợp báo cáo và đưa nhân dân trở lại sinh sống.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Yên Bái; rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, gửi báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia). Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh thì Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia để được chỉ đạo và hỗ trợ.
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai một số nội dung sau: Hằng năm thực hiện rà soát, cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh khi có thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố chất thải có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công bố công khai thông tin về các nguồn thải có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và cấp huyện tổ chức ứng phó sự cố chất thải, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải.
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của cấp huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ với chu kỳ 05 năm và được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hằng năm khi có sự thay đổi về nội dung, làm tăng quy mô, vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tham mưu quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải nói riêng đối với các chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh; tham gia lực lượng giám sát trong trường hợp xảy ra sự cố sạt lở bãi thải; nước thải chưa qua xử lý và bùn thải của các công trình xử lý nước thải tràn ra môi trường.
Ban Quản lý cac KCN tỉnh phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh thực hiện tổ chức hoạt động ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh do chất thải gây ra trong phạm vi các KCN do mình quản lý; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cho các dự án, cơ sở sản xuất trong các KCN theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp. Theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (nếu có), các dự án, cơ sở sản xuất trong KCN xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.
Các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh: Xây dựng, ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục II Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cơ sở cơ sở phù hợp với phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy phép môi trường theo khoản 1 Điều 109 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 10/01/2022. Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố chất thải.../.
Đức Huy
Bình luận