Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 19:11
Thứ sáu, 17/12/2021 09:12
TMO - Dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2021 đạt 602 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 500 tỷ USD cách đây 2 năm. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5%; nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%.
34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%) trong 11 tháng năm 2021.
(Ảnh minh họa)
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4% và chiếm 7,1% (giảm 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5% và chiếm 2,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18% và chiếm tỉ trọng 89% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể, từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc", đại diện Bộ Công Thương đánh giá.
Nhận định về những thách thức phải đối diện trong tháng cuối cùng của năm 2021, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc khôi phục, đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn phải quan tâm giám sát tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm, Bộ Công Thương tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, chú trọng triển khai triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những hiệp định này.
Lan Ngọc
Bình luận