Hotline: 0941068156
Thứ tư, 08/01/2025 23:01
Thứ ba, 07/01/2025 19:01
TMO - Kim ngạch xuất khẩu gỗ 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD. Từ những tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, trong năm 2025, xuất khẩu gỗ kỳ vọng đạt 17,5 đến 18 tỷ USD.
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng. Tiếp theo là thị trường EU, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
(Ảnh minh họa)
Để đạt được kết quả con số xuất khẩu 17,5 - 18 tỷ USD, chuyên gia cho rằng, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đồ gỗ là dạng sản phẩm cồng kềnh, việc tham gia các trang thương mại điện tử như Alibaba,… còn ít và khó thực hiện, do đó, cần quan tâm đến công tác thương mại điện tử cho ngành gỗ. Ngành gỗ là ngành tích tực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng với các quy định của các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ,… Do đó, chuyên gia khuyến nghị cần thực hiện nghiêm quy định về nguồn gốc gỗ.
Theo các chuyên gia, yếu tố xanh là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu. Do đó, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).
Trong năm 2024, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD. Những biến động thị trường trong năm 2024 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động chế biến và xuất khẩu của ngành gỗ. Tuy nhiên, dù vừa làm vừa dõi theo các quy định và biến đổi thị trường của các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu. Hàng loạt chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ được tổ chức ở các địa phương trọng điểm sản xuất sản phẩm này như TP. HCM, tỉnh Bình Định, Bình Dương.
Theo các chuyên gia, ngành gỗ hiện nay đã tương đối ổn định. Trong các thị trường nhập khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ của Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm hơn 54% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường này vẫn luôn ẩn chứa những yếu tố khó lường, luôn gây hồi hộp cho các doanh nghiệp nhập khẩu vào thị trường này bởi những chính sách thuế dành cho hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực để có thông tin nhanh nhất mới có thể linh động đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, nơi có nhiều nhà máy chế biến gỗ cũng tích cực tìm cơ hội bứt phá thị trường.
Đơn cử, một số doanh nghiệp tại Bình Dương cũng đã có nhiều thiết kế sản phẩm độc đáo và giới thiệu đến khách hàng quốc tế. Để mở rộng đầu ra linh động hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược bán hàng qua các kênh thương mại điện tử thay vì chỉ xuất sỉ. Thương mại có nhiều thay đổi, bên nào thích ứng được thì tăng trưởng.
Đối với sản phẩm gỗ Đồng Nai, các doanh nghiệp tỉnh này đã đưa sản phẩm đi 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo thống kê của Cục thống kê Đồng Nai, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ Đồng Nai ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả tăng trưởng này đều nhờ vào sự bứt phá của doanh nghiệp nắm bắt thị trường tốt…/.
BÙI HOÀNG
Bình luận