Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 17/04/2024 20:04
TMO - Luật Đất đai 2024 quy định hủy hoại đất hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Đây là một trong 11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai. Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi hủy hoại đất có thể đối diện với mức phạt lên tới 150 triệu đồng.
Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 1 héc ta. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 héc ta trở lên. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn áp dụng thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trong trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành bị Nhà nước thu hồi đất.
Dẫn chứng cụ thể trường hợp thực hiện hành vi hủy hoại đất trên địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù, chưa được cơ quan chức năng cho phép, ông Nguyễn Thế Khuỳnh (cựu Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú) vẫn ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện vào san ủi 3.209m2 đất rừng, trong đó có 2.592m2 đất rừng phòng hộ ven biển.
Khu vực đất rừng phòng hộ bị hủy hoại ở Bãi Bông thuộc thôn Phú Long (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh).
Tự ý hủy hoại đất rừng phòng hộ ven biển
Sáng 15/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, ông Trần Văn Thoan, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết, vụ việc ông Nguyễn Thế Khuỳnh (trú thôn Phú Sơn, xã Kỳ Phú) là cựu Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú tự ý san ủi đất rừng ở Bãi Bông thuộc thôn Phú Long, xã Kỳ Phú xảy ra từ tháng 9.2023.
Khu vực đất rừng phòng hộ bị san ủi nằm gần bờ biển.
Cụ thể, sáng ngày 22.9.2023, sau khi nhận được phản ánh của công dân, UBND xã Kỳ Phú đã chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Công an xã Kỳ Phú tiến hành kiểm tra thực địa, lập biên bản sự việc, đình chỉ thi công. Qua kiểm tra, phát hiện tại khu vực lô 01, khoảnh 1, tiểu khu 345B và lô 05, khoảng 2, tiểu khu 345B ở thôn Phú Long đã bị san ủi. Hiện trường có một máy xúc và một ôtô tải. Đoàn kiểm tra xác định, điểm san ủi cao nhất khoảng 4m, thấp nhất khoảng 0,8m.
Sau khi đo đạc, cơ quan chức năng xác định ông Khuỳnh đã san ủi diện tích đất là 3.209m2, trong đó có 2.592m2 đất quy hoạch rừng phòng hộ, 617m2 đất quy hoạch rừng sản xuất. Khu vực sản ủi được xác định có dây leo, cây bụi, là đất chưa có rừng.
Không thực hiện trả lại nguyên trạng đất ban đầu
Ngày 6.10.2023, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thế Khuỳnh về hành vi “Hủy hoại đất” với diện tích 3.209m2. Mức xử phạt 20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc ông Khuỳnh khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 20 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Khuỳnh vẫn chưa khôi phục lại nguyên trạng của đất.
Ông Khuỳnh đã trồng 2.150 cây phi lao trên 2/3 diện tích đất đã san ủi. 1/3 diện tích còn lại do địa hình dốc không thể trồng được.
Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh, hiện ông Khuỳnh đã nộp tiền vi phạm hành chính. Tuy nhiên, với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất thì không thể thực hiện do địa hình là đồi núi nên gia đình ông Khuỳnh đã xin khắc phục bằng cách trồng lại rừng. Từ cuối tháng 10.2023, gia đình ông Khuỳnh đã trồng 2.150 cây phi lao trên 2/3 diện tích đất đã san ủi. 1/3 diện tích đã san ủi do địa hình dốc không thể trồng được.
Khu vực đất bị san ủi chỉ còn lại những bãi đá nằm trơ trọi.
Hình ảnh trích lục khu vực đất rừng phòng hộ bị san ủi.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý để xảy ra vụ việc, UBND xã Kỳ Phú, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Anh, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh đã phải họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Thời gian qua, từ vụ việc ông Nguyễn Thế Khuỳnh đã khiến dư luận bức xúc. Điều đáng nói, ông Khuỳnh từng giữ chức vụ chủ chốt ở địa phương, vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, ngang nhiên hủy hoại đất rừng phòng hộ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Phan Ấn
Bình luận