Hotline: 0941068156
Thứ ba, 25/02/2025 14:02
Thứ ba, 25/02/2025 08:02
TMO - Trước nguy cơ nhiên liệu hóa thạch đang trở nên khan hiếm, cùng với những hệ quả đối với môi trường, nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh phát triển các loại năng lượng thay thế, nhất là năng lượng tái tạo. Xu thế chuyển đổi năng lượng tái tạo về căn bản sẽ định hình lại mối quan hệ cung - cầu năng lượng trên thế giới.
Theo các chuyên gia, năng lượng từ các nguồn hóa thạch, chủ yếu là than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, là nguồn năng lượng chính trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Nhờ đó, nền sản xuất của nhân loại đã có thể tiến tới quy mô và năng lực như hiện nay. Năng lượng hóa thạch đã thay thế những nguồn năng lượng chủ yếu trước đó như năng lượng sinh học (củi, gỗ, hay sức lao động của con người và vật nuôi....), để đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu hóa thạch chỉ có giới hạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của con người liên tục gia tăng.
Bên cạnh đó, việc khai thác, chế biến và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tác động tiêu cực đến môi trường, không chỉ đối với thế hệ hiện tại, mà còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau. Thế giới đã và đang nỗ lực khai thác các nguồn năng lượng thay thế khác, trong đó năng lượng tái tạo là giải pháp tối ưu nhằm khắc phục những hạn chế này. Cụ thể, biến đổi khí hậu cùng với những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra với tần suất ngày một cao hơn khiến nhu cầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
(Ảnh minh họa)
Từ năm 1966 đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng hằng năm của sản lượng năng lương tái tạo dao động với biên độ khá mạnh, nhưng chủ yếu vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng dương. Đỉnh tăng trưởng của tốc độ sản xuất năng lượng tái tạo được ghi nhận vào năm 1974, dưới tác động của cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới, với mức tăng trưởng 9,67%. Một mức đỉnh khác là 10,03% vào năm 2008, trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu phủ màu ảm đạm do cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và châu Âu. Cuộc khủng hoảng này đã bộc lộ rõ tính thiếu bền vững của nền kinh tế thế giới cũng như các mô hình tăng trưởng tại nhiều quốc gia, đặt ra yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế xanh. Kể từ năm 2010 đến nay, sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu bước vào giai đoạn tăng trưởng cao và ổn định, trên 4%. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, sản lượng năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục, hơn 440 gigawatt trong năm 2023, tăng 107 gigawatt so với năm trước đó(2).
Với tiềm năng sản lượng khai thác và thời gian duy trì nguồn phát gần như không giới hạn, có thể thấy năng lượng mặt trời và năng lượng gió là những nguồn năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến trên Trái đất. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 70 của thế kỷ 20 khiến nhiều quốc gia thay đổi suy nghĩ về việc tiêu thụ năng lượng, dẫn tới việc các nước này triển khai một loạt chương trình nghiên cứu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió nằm trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Nhờ những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ, giá thành của năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cạnh tranh so với nguồn năng lượng hóa thạch.
Tuy có sự khác biệt về chi phí và công suất, nhưng sự vận động các chỉ số của những loại năng lượng tái tạo này tương tự nhau: chi phí lắp đặt trung bình và chi phí năng lượng bình đẳng có xu hướng giảm, trong khi hệ số công suất có xu hướng tăng theo thời gian. Những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật đã giúp giá thành năng lượng mặt trời và năng lượng gió thấp hơn, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, thúc đẩy gia tăng tỷ trọng của hai nguồn này trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của IEA chỉ ra rằng, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn điện chính, đóng góp một phần ba tổng sản lượng điện trên thế giới.
THẢO PHƯƠNG
Bình luận