Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ bảy, 05/11/2022 16:11
TMO - Đoàn khảo sát thuộc Dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã tiến hành đo đạc lượng bùn, cát từ sông Mekong đổ về Đồng bẳng sông Cửu Long ở 11 vị trí trên sông Tiền và sông Hậu. Từ kết quả các đợt khảo sát, thu thập các mẫu cát ở nhiều vị trí trên sông Hậu và sông Tiền là dữ liệu quan trọng tiến tới xây dựng ngân hàng cát cho Đồng bẳng sông Cửu Long.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát dự trên các nghiên cứu về sự cân bằng giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và hiện có với lượng cát mất đi do khai thác và đổ ra biển ở các nhánh chính của sông Tiền và sông Hậu, từ đó ước tính trữ lượng cát có thể khai thác được mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững của đồng bằng của năm 2022, năm 2030 tầm nhìn đến 2050.
(Ảnh minh hoạ)
Theo các chuyên gia, để có được đánh giá về ngân hàng cát tại ĐBSCL, cần xác định 3 yếu tố: Lượng cát đến đồng bằng; Lượng cát đổ ra biển; Tổng lượng cát khai thác ở đồng bằng. Cụ thể hơn, hoạt động xây dựng Ngân hàng Cát bao gồm việc đo đạc, quan trắc nguồn cung cấp trầm tích (chủ yếu là cát) cho ĐBSCL, ước tính thực tế về khối lượng khai thác cát bằng phân tích hình ảnh vệ tinh cộng với số liệu khối lượng cát khai thác cấp phép từ các tỉnh, và xác định trữ lượng cát hiện có của ĐBSCL thông qua đo đạc địa chấn tầng nông và đánh giá sự trao đổi trầm tích với biển (sử dụng mô hình và dữ liệu) và thu thập dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, Ủy hội sông Mekong.
Đến nay, Dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành đo đạc bổ sung dữ liệu mùa khô tại 4 trạm lưu lượng, 9 trạm bùn cát và lấy mẫu bùn cát đáy; đo đạc vận chuyển cát đáy đa tia tại 4 vị trí Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cần Thơ (Cần Thơ), Tân Châu (An Giang) và Châu Đốc (An Giang); 550 km đo đạc địa chấn tầng đáy, 45 mẫu cát đáy, 35 mặt cắt ngang sông (xác định trữ lượng cát đáy) dọc theo sông Tiền và sông Hậu; Đo đạc dữ liệu thường xuyên trong năm 2022: 9 trạm mực nước; 5 trạm lưu lượng; Thu thập dữ liệu trong quá khứ (thủy văn, địa hình, bùn cát,...); Tham vấn với các bên liên quan (các Bộ ngành và chính quyền địa phương); Hoàn thành công việc xử lý số liệu đầu vào phục vụ mô hình và 50% các công việc liên quan đến thiết lập mô hình tính toán trữ lượng ngân hàng cát cho ĐBSCL.
Kết quả khảo sát cho thấy, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu – An Giang là khu vực có lượng cát đổ về lớn nhất khu vực ĐBSCL. Đối với những khu vực có đụn cát ở đáy sông thì khối lượng cát vận chuyển ở đáy trung bình chỉ còn khoảng 30m3/năm/m ngang sông. Do đó, lượng cát đổ về rất hạn chế, chủ yếu là cát mịn, rất mịn lẫn bùn hữu cơ. Kết quả khảo sát là dữ liệu quan trọng để tiến tới xây dựng kế hoạch phục hồi hình thái sông khu vực ĐBSCL. Đồng thời đưa ra các khuyến cáo về những địa điểm nên tạm ngưng khai thác cát để tránh phát sinh sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác gắn với khối lượng phù hợp để tránh xói mòn đáy và sạt lở bờ.
Vũ Minh
Bình luận