Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ ba, 16/01/2024 19:01
TMO - Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được nghiên cứu xây dựng với mục tiêu xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh chủ trương ưu tiên xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Do đó, cần khẩn trương thể chế hóa hệ thống chính sách, pháp luật và chiến lược thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia.
Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được nghiên cứu xây dựng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết nêu trên phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kiến tạo được một số đột phá về chính sách để thúc đẩy việc phát triển, chuyển đổi nền công nghiệp theo hướng từ theo chiều rộng sang chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.
(Ảnh minh họa)
Bộ Công Thương cho hay, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm do đó là trọng tâm công tác của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này. Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Công Thương cũng đã thường xuyên tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín và kinh nghiệm nhằm bảo đảm chất lượng các chính sách của Dự án Luật. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ được trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật giai đoạn 2024 – 2025 của Quốc hội.
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh việc xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm, việc tiếp tục hoàn thiện các chiến lược phát triển đối với các ngành công nghiệp ưu tiên cũng hết sức cần thiết. Sau khi tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da – giày, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chiến lược phát triển đối với các ngành Thép, Ô tô và Sữa, nhằm đề ra những định hướng mới để phát triển các ngành công nghiệp quan trọng này; với mục tiêu hướng đến phát triển năng lực sản xuất tự chủ, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp trong ngành công thương.
Trong buổi làm việc với các đơn vị về xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương vào sáng 11/1, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh các nội dung trọng tâm cần nghiên cứu trong quá trình xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đồng thời, lưu ý việc xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp cần bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết 29-NQ/TW; chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý và chiến lược bền vững, thống nhất cho việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên của quốc gia.
NGÔ HUYỀN
Bình luận