Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 18:11
Thứ năm, 16/11/2023 19:11
TMO – Ngành du lich cần tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Dưới góc độ xã hội, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người. Đây là nhu cầu rất phổ biến, mức sống càng cao thì nhu cầu du lịch của con người càng lớn. Đối với Việt Nam, ngành du lịch được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu, kể từ năm 1986, kinh tế Việt Nam có những thay đổi đáng kể trên nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông, các điểm du lịch được khai thác và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
(Ảnh minh họa. Nguồn: T. Thảo)
Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả. Hiện nay, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.
Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác dẫn đến chất lượng không cao, thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo, thiếu tính bền vững, thiếu bản sắc... Chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam như Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, Festival di sản Huế
Công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét, đồng bộ, sát thực tiễn. Chuyển đổi số trong du lịch ở cả cấp Trung ương và địa phương chưa mạnh mẽ, đồng bộ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, phân tán, dàn trải. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm. Nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Tác động bất lợi từ những bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai, kinh tế tăng trưởng chậm tại các thị trường truyền thống. Cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt. Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và triều cường tác động ngày một lớn tới hoạt động du lịch.
Phát biểu trong Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra vào sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao. Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Liên kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các chủ thể liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và tư nhân, giữa các bộ ngành, địa phương. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía bắc; Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, TPHCM và phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang).
Tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế. Tăng cường quan hệ hợp tác công-tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch. Thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công-tư trong phát triển du lịch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn.
Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh (du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...).
Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường, đảm bảo khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm, truyền thống và từng bước mở rộng các thị trường mới tiềm năng. Thúc đẩy cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu. Thủ tướng lấy ví dụ, để thu hút khách du lịch theo Hồi giáo, cần chú ý cung cấp thực phẩm Halal, bố trí các địa điểm cầu nguyện phù hợp. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách - "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch". Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Các địa phương xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa ở các khu du lịch; nâng cao trình độ văn hóa của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tháng 10/2023, ngành du lịch đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng, toàn ngành đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Ngoài ra, phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số liệu cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 năm 2023 tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính tổng cộng trong 10 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước, tạo ra sự hy vọng vững chắc về việc hoàn thành mục tiêu đón từ 12 - 13 triệu khách quốc tế cho năm 2023.
LÝ LAN
Bình luận