Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ năm, 06/07/2023 13:07
TMO - TP. HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tất cả các trạm trung chuyển rác tại thành phố sẽ được xây dựng khép kín, hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, mỗi ngày lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 9.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của TP.HCM khoảng 0,98kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Mặc dù, 100% khối lượng CTRSH của TP.HCM được thu gom, xử lý, tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình tập kết rác tại các trạm trung chuyển để các phương tiện đưa tới các khu xử lý rác tập trung lại phát sinh ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác. Vì vậy, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các trạm trung chuyển, đồng thời lên kế hoạch xây dựng các trạm trung chuyển rác hiện đại.
TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các trạm trung chuyển rác. Ảnh: NC.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, UBND TP.HCM đã ban hành định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển trên địa thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và giao cho UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện giải tỏa các trạm gây ô nhiễm môi trường và cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trạm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Theo định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển trên địa thành phố định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, TP. HCM đặt mục tiêu giảm dần dần các trạm trung chuyển trong khu vực nội đô thành phố, tăng vị trí trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai của thành phố. Trong đó, đến năm 2025 thành phố sẽ có 40 trạm trung chuyển rác (13 trạm khu vực và 27 trạm phục vụ quận, huyện) trên địa bàn 19 quận, huyện; đến năm 2050 giảm xuống còn 36 trạm (15 trạm khu vực và 21 trạm quận, huyện) trên địa bàn 16 quận, huyện.
Đối với các trạm trung chuyển đang hoạt động tốt (thiết kế kín; có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; hệ thống xử lý khí thải; hệ thống phun xịt khử mùi;…) được tiếp tục hoạt động; các trạm trung chuyển thuộc quy hoạch, đang đề xuất chủ trương đầu tư và đã có kế hoạch xây dựng của Ủy ban nhân dân quận, huyện được tiếp tục triển khai. Đồng thời, các trạm trung chuyển rác phải đảm bảo kết nối đồng bộ, tiếp nhận các loại phương tiện thu gom tại nguồn.
Ngoài ra, các trạm này phải có khả năng phục vụ, tiếp nhận rác thải sinh hoạt và các loại rác thải khác của hộ gia đình như rác cồng kềnh, rác thải xây dựng, rác thải nguy hại và được trang bị các hệ thống hiện đại khác như: hệ thống camera, hệ thống phần mềm theo dõi khối lượng chất thải tiếp nhận tại trạm, chất lượng môi trường của trạm.
UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giải tỏa các trạm gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trạm trung chuyển đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để đến năm 2025 có 40 trạm (13 trạm khu vực và 27 trạm phục vụ quận, huyện). Đến nay, TP Thủ Đức và các quận, huyện: 4, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đang triển khai đầu tư 16 trạm trung chuyển. 1 trạm hiện hữu trên địa bàn quận 11 đã có lộ trình giảm khối lượng, tiến tới ngưng hoạt động vào năm 2025.
Cụ thể, 2 trạm đã hoàn thành xây dựng, vận hành (quận 12 và TP Thủ Đức); 1 trạm đang xây dựng (quận 12); 2 trạm trung chuyển đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; 11 trạm đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thủ tục giao đất, đăng ký vốn đầu tư trung hạn để thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%.
Hiện nay, trên 70% tổng lượng CTRSH của TP.HCM được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới đạt 100% vào năm 2030. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH sang đốt phát điện đang triển khai, trong đó UBND thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án, 3 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi
Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra giải pháp giảm thiểu chất thải rắn (CTR) phát sinh tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế; đề xuất mạng lưới trạm trung chuyển đảm bảo phục vụ địa bàn mang tính liên quận/huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý CTR của TP.HCM theo từng giai đoạn; đề xuất các công nghệ tiên tiến xử lý CTR, hạn chế chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, kinh phí xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy hoạch còn nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý CTR của thành phố hiện nay; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp CTR, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững đô thị.
Cụ thể, đến năm 2025, các loại CTR sinh hoạt, y tế, công nghiệp, xây dựng và bùn thải trên địa bàn thành phố sẽ được tổ chức thu gom riêng, có phân loại tại nguồn đối với các loại chất thải có khả năng phân loại. Về vận chuyển và trung chuyển CTR, tiến hành giảm thiểu số lượng điểm tập kết bằng cách tăng cường phương án thu gom dọc tuyến, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trong bán kính đi bộ của các hộ dân, từng bước đơn giản hóa quy trình thu gom, bắt buộc áp dụng đối với các dự án nhà ở xây dựng mới và có lộ trình để thực hiện trong các khu dân cư hiện hữu. Bố trí trạm trung chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn theo 2 cấp (quận, huyện và khu vực).
Nguyễn Trang
Bình luận