Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 14:11
Thứ ba, 14/02/2023 11:02
TMO – Cơ quan khí tượng thuỷ văn nhận định xu thế xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng (đặc biệt trong thời gian từ 11-20/2), ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11-20/2, ở thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa, ban ngày trời nắng. Dự báo, xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11-20/2 tiếp tục tăng. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 2/2022.
Thời gian từ ngày 11-20/2, chiều sâu ranh mặn 1‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 65-70km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 50-55km; Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 60-72km; Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 55-60km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 25-30km. Chiều sâu ranh mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 40-45km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 40-47km; Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 50-55km; Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 40-45km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 20-25km. Do đó, các địa phương cần có giải pháp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp.
Xâm nhập mặn là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong mùa khô năm 2022-2023 tình hình xâm nhập mặt ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tập trung trong tháng 2 và 3/2023 (từ ngày 18-24/2 và từ ngày 18/2-25/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2023 (từ ngày 18-25/3 và từ ngày 17-23/4). Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Xâm nhập mặn hay còn gọi là đất bị nhiễm mặn với hàm lượng nồng độ muối vượt mức cho phép do nước biển xâm nhập trực tiếp vào đất liền khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt. Nước biển mang theo lượng muối hòa tan và bị kết cấu của đất giữ lại, tích tụ và gây mặn.
Ngoài ra, xâm nhập mặn là quá trình thay thế nước ngọt trong các tầng chứa nước ở ven biển bằng nước mặn do sự dịch chuyển của khối nước mặn vào tầng nước ngọt. Ngắn gọn hơn thì sự xâm nhập mặn là sự tích tụ quá nhiều muối hòa tan trong đất. Xâm nhập mặn là hệ quả của sự biến đổi khí hậu, đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra hằng năm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phương Điền
Bình luận