Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 21/04/2024 06:04
TMO - Dự báo xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-30/4, khu vực miền Tây Nam Bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại miền Tây Nam Bộ phổ biến từ 34-37 độ C, có nơi cao hơn. Trong thời kỳ dự báo, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,25m, tại Châu Đốc 1,40m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,05-0,15m.
Dự báo, từ ngày 21-30/4 mực nước trạm Vũng Tàu dao động ở mức trung bình, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 3,70-3,80m, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 1 đến 4 giờ và 12 đến 15 giờ hằng ngày. Ngoài ra, mực nước triều tại trạm Rạch Giá dao động ở mức trung bình, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 0,25-0,30m, thời gian xuất hiện trong khoảng 18 đến 23 giờ hằng ngày.
Đáng chú ý từ ngày 21-30/4, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế tăng dần vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2023. Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 90-120km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 40-50km; sông Hàm Luông: 50-55km; sông Cổ Chiên: 40-45km; sông Hậu: 40-50km; sông Cái Lớn: 45-55km.
Các chuyên gia khí tượng dự báo, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao; riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn vẫn tăng đến nửa đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ nửa cuối tháng 5. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Dự báo xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL cấp 2. Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.
Người dân nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, đồng thời có những biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Đối với diện tích trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.
Bên cạnh việc lưu trữ và tiết kiệm, người dân cần lắp đặt các hệ thống lọc nước mặn để đảm bảo tốt nhất lượng nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Hệ thống lọc nước mặn được xem là biện pháp sử dụng trực tiếp nguồn nước mặn hiện tại. Hệ thống lọc xử lý các thành phần muối hòa tan trong nước, mang lại nguồn nước có độ ngọt hợp lý. Đặc biệt, nước sau lọc có thể sử dụng để uống trực tiếp hoặc tưới tiêu cho các loại cây có khả năng chịu mặn thấp. Các hộ nuôi trường thủy sản phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi, từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng xâm nhập mặn.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, gần 74.000 hộ dân trong vùng ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt.
Trước tác động của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, gần 74.000 hộ dân trong vùng ĐBSCL hiện sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể theo báo cáo mới nhất đến ngày 15/4, tỉnh Tiền Giang có 8.800 hộ thiếu nước; Long An 4.900 hộ; Bến Tre 25.000 hộ; Sóc Trăng 6.400 hộ; Bạc Liêu 4.900 hộ; Kiên Giang 20.000 hộ và Cà Mau 3.900 hộ.
Các khu vực dân cư bị thiếu nước do nguồn nước dưới đất bị suy giảm, không đủ khả năng cấp theo yêu cầu như khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An, các huyện U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau. Nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung bị nhiễm mặn với độ mặn vượt ngưỡng cho phép như các công trình cấp nước các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt không đủ cấp do hạn hán như các công trình cấp nước tại các xã Long Cang, Long Định huyện Cần Đước, Long An.
Các hộ dân sống phân tán ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng trong thời kỳ bị thiếu nước, xâm nhập mặn ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang. Nguồn nước ngọt trong kênh cạn kiệt cũng khiến bờ kênh không được giữ ổn định, dẫn đến xảy ra tình trạng sụt lún đất, sạt lở đất ven kênh, rạch, đường giao thông kết hợp kết hợp/ven bờ kênh tại các vùng ngọt hóa ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, ảnh hưởng đến đi lại và nhà cửa của người dân. Tổng cộng hiện có 901 điểm bị sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài 23,4 km (Cà Mau 601 điểm, 15,9 km; Kiên Giang 310 điểm, 7,5 km).
Từ đầu mùa khô đến nay, tổng lượng mưa khu vực này thấp hơn TBNN từ 10-30%. Đáng chú ý, nhiều nơi cả tháng không có mưa như tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu. Từ thực tế ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm vừa qua ở ĐBSCL, một số giải pháp trước mắt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả cao như: Theo dõi, giám sát, dự báo sớm tình hình nguồn nước, xác định cụ thể phạm vi và mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn để xây dựng kế hoạch ứng phó trên tinh thần chủ động thích nghi.
Tổ chức điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản phù hợp với từng vùng sinh thái. Điều chỉnh thời vụ, tổ chức xuống giống sớm để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như: Nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, đào ao, giếng trữ nước ngọt, lắp đặt bơm dã chiến…Thực hiện kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân mua thiết bị lọc, trữ nước, vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.
Minh Tiến
Bình luận