Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ hai, 12/02/2024 07:02
TMO - Dự báo xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11-20/2 tiếp tục tăng dần tới giữa tuần sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2023.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11-20/2, ở khu vực Nam Bộ tiếp tục không mưa, ngày nắng. Nhiệt độ cao nhất trên toàn khu vực phổ biến từ 31-34 độ C, riêng miền đông có nơi hơn 35 độ C. Mực nước tại các trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,40m, tại Châu Đốc 1,60m, ở mức tương đương trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Dự báo xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ từ ngày 11-20/2 tiếp tục tăng dần tới giữa tuần sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2023. Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 32-37km; sông Hàm Luông: 35-42km; sông Cổ Chiên: 45-52km; sông Hậu 50-57km; sông Cái Lớn: 25-32km.
Dự báo xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11-20/2 tiếp tục tăng dần.
Dự báo xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3 (từ ngày 10-13/2, từ ngày 22-27/2 và từ ngày 7/3-12/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ ngày 7-12/3, từ ngày 22-27/3 và từ ngày 7-12/4, từ ngày 21-26/4).
Những năm qua, với sự chủ động ứng phó cho nên sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã hạn chế được thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn giúp các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, nhất là việc khoanh vùng đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cũng như điều chỉnh thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Các địa phương đã chủ động nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, xây dựng các công trình kiểm soát mặn giúp hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo mùa khô 2023-2024, nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 10 đến 15% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển, xa dòng chính sông Cửu Long. Xâm nhập mặn ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng ở mức ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
Các địa phương cần rà soát, xây dựng cụ thể kế hoạch đắp đập tạm, sửa chữa, nâng cấp các ô bao, bờ bao, cống để vừa bảo đảm ngăn lũ, triều cường và ngăn mặn.
Nhằm ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, Cục Thủy lợi cho rằng các địa phương cần rà soát, xây dựng cụ thể kế hoạch đắp đập tạm, sửa chữa, nâng cấp các ô bao, bờ bao, cống để vừa bảo đảm ngăn lũ, triều cường và ngăn mặn; xác định vị trí, quy mô công trình, vùng tích trữ nước ngọt. Đồng thời, nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, trữ nước ngọt; vận hành hợp lý công trình thủy lợi để lấy lượng nước ngọt cao nhất xuất hiện trong thời kỳ xâm nhập mặn; phân chia, điều tiết nguồn nước bảo đảm phục vụ cho các mục tiêu, tránh xảy ra tranh chấp, xung đột nguồn nước; định kỳ kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng nguồn nước để phân phối cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước thiếu hụt.
Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, cập nhật quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm phù hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, tận dụng tối đa nguồn nước cung cấp cho sản xuất và dân sinh. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của cả nước với diện tích hơn 400.000 ha.
Vì vậy, các địa phương cần rà soát diện tích vườn cây ăn quả, hướng dẫn người dân tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó. Cùng với đó, các nhà máy nước cần kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình cấp nước tập trung, hệ thống lọc mặn; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục hư hỏng, bảo đảm vận hành liên tục phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, từ nhận định của các cơ quan chuyên môn có thể thấy, quy luật xâm nhập mặn hiện nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu thế đến sớm hơn, lũ lớn ít dần. Do đó, khu vực này cần có các giải pháp thay đổi phù hợp với tình hình để tiết kiệm nguồn nước ngọt cho sản xuất, dân sinh. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thuận thiên là thích nghi có kiểm soát trên cơ sở thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để ổn định tương đối ranh mặn, kiểm soát mặn ngọt theo nhu cầu sử dụng để các địa phương chủ động sản xuất. Do đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình đập tạm, nạo vét kênh mương, xây dựng hồ chứa nước tập trung và phi tập trung, truyền thống...
Thu Hà
Bình luận